Thời gian vừa qua, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng. Chỉ riêng ba ngày đầu của tháng 2/2012 đã xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt làm 7 người chết. Mới đây nhất (13/2) là vụ tàu SH1 bị trượt khỏi đường ray ở Quảng Ngãi. Những vụ tai nạn liên tiếp đó đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm an toàn giao thông đường sắt của người dân.
Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, ông Phạm Văn Bình, trưởng Ban an toàn giao thông Đường sắt (Tổng Công ty ĐS VN) cho biết, hiện nay mỗi năm xảy ra trên dưới 500 vụ tai nạn giao thông đường sắt, trong đó có đến 97% nguyên nhân tai nạn là do khách quan, cụ thể hơn là do người và các phương tiện giao thông tham gia đường bộ gây ra cho đường sắt.
"Ý thức tham gia giao thông của người dân kém, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng đường sắt còn nhiều bất cập là nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn về đường sắt", ông Phạm Văn Bình lý giải.
Nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt đau đớn đã xảy ra
Chia sẻ với PV về trách nhiệm của ngành đường sắt trong việc để xảy ra liên tiếp nhiều vụ tai nạn đường sắt trong thời gian qua, ông Bình cho biết: "Những vụ tai nạn xảy ra do chủ quan thì ngành đường sắt phải chịu trách nhiệm, ví dụ như kết cấu hạ tầng kém, ý thức chấp hành của cán bộ nhân viên kém, do chất lượng đầu máy... thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Nhưng tai nạn do khách quan, do ý thức của người tham gia giao thông, tồn tại của kết cấu hạ tầng thì không thể đổ trách nhiệm riêng cho ngành đường sắt được, mà đó phải là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương".
"Dù năm nào cũng tuyên truyền luật, người dân tự giác nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhưng xem ra không có hiệu quả do chế tài xử phạt chưa nghiêm, không đủ sức răn đe", ông Bình đánh giá.
Hiện tại, công tác xử lý vi phạm an toàn đường sắt của chúng ta còn nhiều hạn chế, và số tiền phạt là quá ít, chỉ 50.000 đồng nếu vượt qua rào chắn. "Rõ ràng mức phạt này là không đủ mạnh để răn đe người vi phạm. Trong khi đó, chỉ thấy thanh tra giao thông phạt nhân viên chúng tôi chứ chưa thấy phạt được người tham gia giao thông nào. Tôi chưa chứng kiến bất kỳ người dân nào vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt bị xử lý", ông Bình khẳng định.
Trao đổi với PV về vấn đề này, một lãnh đạo của Tổng Công ty ĐSVN đưa ra dẫn chứng, nếu như khi tham gia giao thông đường bộ, người dân vượt đèn đỏ thì đã có lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành xử phạt. Đối với đường sắt, không có công an đứng gác, vi phạm rất nhiều như: Đèn báo rồi mà người dân còn nâng rào chắn lên để đi, vẫn họp chợ trên đường ray, thấy đèn tín hiệu và chuông nhưng vẫn cố tình để vượt. Vi phạm rõ ràng như thế nhưng cũng chả có ai xử phạt.
Quốc Triều