Giá than tăng nóng kéo ghì lợi nhuận của Xi măng Hà Tiên

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 6, 22/07/2022 17:19

Lợi nhuận bán niên của Xi măng Vicem Hà Tiên giảm 52% so với cùng kỳ, đạt khoảng 161 tỷ đồng trước áp lực giá đầu vào tăng cao.

Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (mã: HT1) công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu thuần tăng 5,5% so với cùng kỳ lên 2.385 tỷ đồng. Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng tới 13,5% lên 2.066 tỷ đồng.

Doanh nghiệp giải trình do giá nguyên nhiên liệu chính cho sản xuất xi măng như than, dầu, thạch cao,... tăng giá mạnh. Kết quả, biên lãi gộp điều chỉnh từ 19,3% cùng kỳ xuống 13,4%. Trừ đi các chi phí khác, quý II/2022 Xi măng Hà Tiên báo lãi sau thuế gần 136 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 4.342 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 161 tỷ, lần lượt tăng 8% và giảm 52% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất. Trong đó, 66% lượng than phải nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá trên thị trường quốc tế.

Với đà tăng nóng của giá than thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đã quyết định tăng giá bán ra. Từ tháng 3 đến tháng 6, ngành xi măng đã có 3 lần điều chỉnh tăng giá bán, với biên độ tăng cả ba lần từ 220.000 đến 270.000 đồng/tấn tùy từng thương hiệu.

Xi măng Hà Tiên cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như chuyển sang sử dụng nguồn than trong nước và thực hiện các đợt tăng giá (tăng 100.000 đồng/tấn xi măng từ ngày 23/3/2022, tăng 50.000 đồng/tấn xi măng bao và tăng 80.000 đồng/tấn xi măng rời từ ngày 26/4/2022) để bù đắp áp lực chi phí tăng.

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng khoảng 150 tỷ đồng so với đầu năm lên 8.964 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho tăng 6% lên 705 tỷ đồng, đa số là nguyên vật liệu và thành phẩm. Khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 519 tỷ đồng - không thay đổi nhiều sau nửa năm.

Lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn trên 600 tỷ đồng, gấp đôi ngày đầu năm, phần lớn là tiền gửi ngân hàng.

Xi măng Hà Tiên duy trì mức đi vay nợ ngắn với trên 1.500 tỷ đồng, chiếm 40% tổng nợ phải trả. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 5.200 tỷ đồng, trong đó 903 tỷ cho quỹ đầu tư phát triển và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Với ngành xi măng, trong dài hạn, VnDirect dự đoán nhu cầu xi măng nội địa giai đoạn 2022-2023 sẽ phục hồi mạnh mẽ khi bất động sản và đầu tư công sôi động trở lại. Sản lượng tiêu thụ sẽ cao hơn mức trước dịch, đạt lần lượt 66,5 - 69,8 triệu tấn mỗi năm, tăng 5-6%. Nhưng ngành này vẫn đối mặt với rủi ro về đầu vào, khiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp giảm mạnh trong năm 2022.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.