Giả thiết về chân dung vua Quang Trung: Một công bố không nghiêm túc, không chuyên nghiệp

Giả thiết về chân dung vua Quang Trung: Một công bố không nghiêm túc, không chuyên nghiệp

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 3, 09/01/2018 12:17

GS.TS Vũ Minh Giang (Phó Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) cho rằng bức tranh vẽ vua Quang Trung do tác giả Trần Quang Đức công bố mới đây lấy từ nguồn sử liệu không đáng tin cậy, không có tính logic.

Tiếp cận sử liệu Trung Quốc không xử lý kỹ càng

GS.TS Vũ Minh Giang cho rằng bức tranh được nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố với hướng tiếp cận từ sử liệu Trung Quốc không được xử lý kỹ lưỡng, vội vàng đưa ra.

“Trước hết, nguồn tư liệu không có dẫn một cách đầy đủ về bức tranh đó. Bức tranh đó phía Trung Quốc họ không nói là vua Quang Trung”, GS.TS Vũ Minh Giang nói.

Về phía nhà nghiên cứu Trần Quang Đức có đưa ra bức tranh đen trắng và trên tranh có mấy chữ: An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình – tức là vua Quang Trung được chụp lại từ một nguồn sử liệu ở Trung Quốc.

Văn hoá - Giả thiết về chân dung vua Quang Trung: Một công bố không nghiêm túc, không chuyên nghiệp

Bức vẽ vua Quang Trung do nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố trên trang cá nhân.

“Nguồn tư liệu có ghi đầy đủ: Ngự chế An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình chí Tị Thử Sơn Trang bệ kiến thi dĩ tứ chi thì không được dịch hết. Dịch ra thì sẽ là bài thơ do Trẫm làm ra và ban cho An Nam Quốc vương là Nguyễn Quang Bình khi đến bê kiến trẫm. Sử liệu Trần Quang Đức đưa ra là khuyết mất vế sau.

Và nếu bức tranh này có thật, thì là tranh vẽ bên cạnh bài thơ để ban/tặng cho Quang Trung. Và người trên bức tranh đó, chính là Vua Càn Long nhà Đại Thanh, chứ không thể là Quang Trung của Đại Việt được. Bức tranh vẽ hình Càn Long để ban tặng cho Quang Trung đưa về nước treo”, GS.TS Vũ Minh Giang nói.

Theo ông Giang, đó là lý giải theo sử liệu của bên Trung Quốc ghi còn sử liệu của nước ta từ trước đến này, cho rằng vua Quang Trung không đi sứ Trung Quốc trong dịp mừng thọ vua Càn Long bát tuần đại khánh. Và nhiều tài liệu cho rằng vua Quang Trung cử một người đi thay thế.

“Thử nghĩ, một ông vua vừa đánh thắng quân Mãn Thanh xong thì trong Nam còn bao nhiêu việc phải làm. Liệu ông vua Quang Trung có sang hay không? Xét về mặt logic lịch sử không thể có.

Còn chuyện cử người giả sang để giữ sĩ diện cho nhà Thanh được coi là một giả thuyết đúng, có trong chính sự, có trong ghi chép và đồng thời cũng hợp với logic lịch sử”, ông Giang nói.

Lật lại sử liệu Việt Nam

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, ngay từ hướng tiếp cận từ sử liệu của triều Thanh đã không đáng tin thêm vào đó nhân vật trong bức tranh được công bố không hề giống với diện mạo được sử sách mô tả về vua Quang Trung, cả về hình dáng đến tính cách.

Văn hoá - Giả thiết về chân dung vua Quang Trung: Một công bố không nghiêm túc, không chuyên nghiệp  (Hình 2).

GS.TS Vũ Minh Giang.

“Bức tranh vẽ ông già như thế không thể là một võ tướng ngoài 30 tuổi. Thời điểm đó là năm 1790, Quang Trung mới có 37 tuổi nhưng nhìn bức tranh đó có phải vẽ một người 37 tuổi hay không?”, ông Giang nói.

Các tài liệu như Đại Nam thực lục tiền tiên, Đại Nam chính biên liệt truyện quyển 30, Hoàng Lê nhất thống chí và nhiều tài liệu khác đều mô tả Quang Trung có gương mặt phương phi, có phần dữ tợn và tạo ra nét uy mãnh từ ánh mắt đến nét mặt, khiến người đối diện phải sợ hãi.

“Quang Trung là một võ tướng vào Nam ra Bắc, xuất quỷ nhập thần như thế thì đâu có ẩn mình trong hình dạng một người trông gian xảo, tướng mạo hèn kém. Tôi cho rằng diện mạo đó không giống, không phải chúng ta yêu quý ông Quang Trung mà hình dung. Dựa vào những mô tả lịch sử có trong sách thì nó không hề cho chúng ta hình dung một con người như bức tranh Trần Quang Đức công bố”, ông Giang cho biết.

Theo vị giáo sư này, khi xem xét tư liệu cần hết sức thận trọng, xem xét tư liệu có đáng tin cậy không, có tính logic lịch sử không. Và nên có một thái độ nghiêm túc hơn trong việc đưa ra những vấn đề quan trọng: Dựng lại diện mạo vị anh hùng đã có hình ảnh trong lòng người dân.

GS.TS Vũ Minh Giang đưa ra quan điểm: “Chuyện Quang Trung có đi sứ hay không thì không mới, bên Trung Quốc đã viết lâu rồi nhưng họ không viết như Nguyễn Duy Chính và Trần Quang Đức. Hai nhà nghiên cứu này đã đọc sử liệu Trung Quốc và viết lại theo ý mình nhưng phần sử liệu Trung Quốc nói Quang Trung đi sứ là có người đóng giả thì không nói đến. Về mặt nghề nghiệp, tôi thấy công bố này không chuyên nghiệp, không nghiêm túc, không làm đúng theo quy trình của một người nghiên cứu”.                       

Trước đó, giới nghiên cứu xôn xao khi nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Duy Chính công bố kết quả nghiên cứu cho rằng đã tìm được chân dung của vua Quang Trung "cận sử" nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, ông Chính tìm được hai tư liệu hình vẽ vua Quang Trung trong chuyến đi Bắc Kinh dự lễ thọ vua Càn Long này, một trong bộ tranh "Thập toàn phu tảo" và một bức trong bộ tranh đồ sộ "Bát tuần Vạn thọ thịnh điển".

Cùng hướng nghiên cứu này, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cũng công bố trên trang cá nhân bức tranh được cho rằng họa chân dung vua Quang Trung, hiện được lưu giữ tại bảo tàng Cố cung Bắc Kinh.

"Gần đây, một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh). Lai lịch tường tận của bức tranh cần đợi những khảo cứu chuyên sâu hơn. Ít nhất, cho tới thời điểm hiện tại, bức tranh này vẫn tiệm cận với “sử thực” hơn cả”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố trên trang mạng xã hội.

Nội dung này đã thu hút sự quan tâm và nhận được nhiều ý kiến trong giới chuyên môn.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.