Công nghiệp dược 10 năm vẫn... giậm chân tại chỗ
Thưa bà, hiện nay có thực trạng thuốc của một số nước chất lượng không tốt, nhưng bán giá cao. Các công ty nhập khẩu phân phối loại thuốc này, đặc biệt là thuốc kháng sinh có thể đạt lợi nhuận 400-500%, bà suy nghĩ gì về thực tế này?
Thực tế, khi người ta đói có thể thay gạo bằng những thứ lương thực khác nhưng đau không thể thay thế được gì ngoài thuốc. Thuốc là nhu cầu thiết yếu, không thể thiếu trong điều trị bệnh. Do đó bất cứ quốc gia nào cũng phải sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu thuốc để đảm bảo nhu cầu thuốc điều trị bệnh cho nhân dân. Nhất là sắp tới Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược (TPP) xuyên Thái Bình Dương thì việc trao đổi thương mại trong đó có thuốc càng rộng hơn. Tôi được biết Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến các nhà kinh tế, khoa học để xem chúng ta cần sẵn sàng như thế nào, gia nhập Hiệp định nói trên mà mình không bị thua thiệt.
Nói riêng về vấn đề thuốc, luật Dược có nội hàm cũng như mục đích phát triển sản xuất trong nước theo chủ trương Đông- Tây y kết hợp nghĩa là phát huy nội lực, sản xuất trong nước để chủ động những loại thuốc thiết yếu. Nhưng tôi thấy, gần 10 năm nay việc triển khai công nghiệp dược rất trì trệ, chủ yếu vẫn là nhập khẩu. Việc nhập khẩu thuốc thì "rất tươi", "mát tay" còn chuyện quan tâm sản xuất trong nước để chủ động cho công tác khám chữa bệnh cho nhân dân thì chậm chạp. Tôi cũng không hiểu nguyên nhân nào, trở ngại khách quan gì mà sự phát triển công nghiệp dược đến nay vẫn trì trệ.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu.
Nghĩa là khi chúng ta không có công nghiệp dược đủ mạnh thì phải chấp nhận sự ép giá, thưa bà?
Điều này bắt buộc chúng ta phải nhập khẩu thuốc từ nước ngoài nhiều hơn. Trong nhập khẩu thuốc từ nhiều nước phát triển và chưa phát triển về công nghiệp dược, trong đó có thuốc nhập khẩu từ Hàn Quốc, Ấn Độ... khi nhập giá một nơi nhưng khi bán cho người tiêu dùng thì giá lại cao ngất ngưởng. Thực tế này là do khâu trung gian đẩy giá chứ không phải lỗi từ nhà sản xuất. Điều này là đáng lo ngại, nhưng chúng ta khó tìm ra bằng chứng để chứng minh có tiêu cực trong các khâu.
Bác sỹ lợi dụng tâm lý sính ngoại để “ăn” hoa hồng?
Vậy theo bà, việc quản lý giá thuốc phải thực hiện như thế nào để tránh những tiêu cực từ các khâu trung gian?
Trong trách nhiệm quản lý Nhà nước về thuốc là ngành y tế, quản lý Nhà nước về giá là ngành tài chính. Sự phân định này đã quy định trong luật rõ ràng. Chúng ta không thể để mặt hàng thiết yếu phục vụ ngưòi dân tung hoành mà cần có biện pháp quản lý tốt. Mà quản lý dược là cơ quan y tế, quản lý giá là cơ quan tài chính. Nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ chứ không phải mạnh ai nấy quản. Trước đây giá thuốc lên cũng do sự thiếu quản lý, kể cả bộ Kế hoạch& Đầu tư là cơ quan cho nhập nữa.
Có ý kiến cho rằng người Việt nên ưu tiên dùng thuốc Việt, bởi Việt Nam cũng sản xuất được sản phẩm thuốc như thế, ngay trong BHYT cũng nên ưu tiên dùng thuốc nội, quan điểm của bà về điều này như thế nào?
Chúng ta đừng nghĩ cực đoan như vậy, vấn đề bảo hiểm y tế là một câu chuyện khác, đừng để tâm lý người mua BHYT người ta nghĩ rằng mình phải dùng thuốc nội còn đi chữa trả tiền viện phí thì được dùng thuốc ngoại. Nội hay là ngoại mà chữa được bệnh thì BHYT có trách nhiệm thanh toán cho người bệnh. Ví dụ tôi bị bệnh huyết áp, do tôi có thiện cảm với thuốc nội nên tôi nhờ bác sỹ tư vấn để mua loại thuốc nào phù hợp, cùng thuốc nội nhưng chữa khỏi bệnh.
Việc đẩy giá thuốc lên ngất ngưởng ở những dòng thuốc chất lượng không cao, ngoài khâu trung gian còn liên quan đến y đức của thầy thuốc, không ít bác sỹ kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng, với những dòng thuốc lợi nhuận 400-500% thì tiền hoa hồng càng nhiều?
Thực tế kê đơn hưởng hoa hồng vẫn còn nhiều, nó liên quan đến y đức. Nếu bác sỹ là người có tâm phải tư vấn, nói cho người bệnh hiểu dùng thuốc nội hay thuốc ngoại để người ta lựa chọn trong khả năng kinh tế của họ. Nhưng do tâm lý người tiêu dùng sính thuốc ngoại nên thuốc ngoại mới lên ngôi và đẩy giá cao. Thuốc nội cũng nguyên liệu thuốc nhập từ nước ngoài và sản xuất ở Việt Nam, hoàn toàn tốt đấy chứ nhưng vẫn không được người dân tin dùng. Người bác sỹ phải tư vấn làm sao cho xã hội hiểu để không góp phần làm tăng giá thuốc. Đừng có nghĩ trong tâm lý mình là đi khám BHYT phải dùng thuốc nội, rồi lại đi mua thuốc ngoại dùng như thế là lãng phí.
Xin cảm ơn bà!
Cứ mỗi lần giá thuốc biến động tăng, cùng với sự kêu trời của bệnh nhân và thân nhân của họ là một loạt những giải pháp được cơ quan quản lý dược phẩm tung ra nhằm trấn an dư luận, tìm cách an dân. Thế nhưng có vẻ như tất cả các giải pháp ấy không đủ sức kéo dược phẩm "xuống thang" trong khi về chất lượng thuốc thì vẫn còn phải bàn. Trước vấn đề này, theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng cục Quản lý Dược, bộ Y tế cho biết, một trong những nguyên nhân khiến các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng bùng phát triển mạnh tại thị trường châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng là do ở các nước này hiện đang có nhu cầu sử dụng thuốc giá rẻ, trong khi các biện pháp ngăn chặn lại không hiệu quả. Trong khi đó, do kinh doanh tân dược giả, kém chất lượng mang lại siêu lợi nhuận (mức sinh lời từ 200 - 450 lần) nên các cửa hàng bán lẻ thuốc sẵn sàng nhập từ những đơn vị, cá nhân không được phép sản xuất, kinh doanh tân dược. Mặt khác, hầu hết tân dược giả, kém chất lượng đều có mẫu mã bao bì và hình thức giống như thuốc thật nên dễ đánh lừa người tiêu dùng. Đặc biệt, hiện nay, tình trạng mua bán tân dược giả qua internet, dịch vụ chuyển phát nhanh và bưu chính ngày càng gia tăng đang chứa đựng một nguy cơ rất lớn cho người sử dụng tân dược. Đáng lo ngại hơn, các loại thuốc nhãn mác giả, kém chất lượng không chỉ tập trung vào một số loại mà rất đa dạng, phức tạp, với số lượng rất lớn, từ thuốc nhập ngoại cho tới thuốc được sản xuất trong nước. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì các loại thuốc tân dược giả, kém chất lượng này sẽ trở thành một tai họa nghiêm trọng. Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng cục Quản lý dược lo ngại về việc nhập thuốc ngoại tràn lan, kém chất lượng. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, trên thị trường có 3 loại thuốc được lưu thông bao gồm tân dược, đông dược và dược liệu. Trong đó, các loại thuốc kháng sinh như viên nang Ampicillin 500mg và Augmentin 625mg là hai sản phẩm thuốc bị làm giả nhiều nhất ở Đông Nam Á do được bác sĩ kê toa nhiều nhất cho các bệnh nhân. Ngoài ra, bọn làm giả thuốc còn "phù phép" biến thuốc chữa dạ dày thành kháng sinh đặc trị viêm phổi, nước cất thành thuốc chữa bệnh thần kinh, dùng nước đường để bào chế thành xirô trị ho cho trẻ em, thay đổi nhãn mác biến thuốc châu Á thành thuốc sản xuất từ châu Âu. Nhiều nhà thuốc trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới vẫn còn bán các loại thuốc đã quá hạn sử dụng không được phép lưu hành, như thuốc bổ Dodecavit, thuốc viêm khớp Colchicine, ho long đờm, Strychnin Sulfat... Không chỉ có các loại tân dược thông thường bị làm giả mà hiện nay trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại thuốc đông dược, dược liệu được làm giả, làm nhái, nhiều nhất phải kể đến các vị thuốc như Liên nhục, Hoàn kỳ, Hồng kỳ, Ý dĩ..., với trình độ làm thuốc giả ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm: Từ ngày 1/1/2011 đến 23/8/2013, cục Quản lý Dược đã phát hiện 37 công ty của 10 quốc gia có thuốc vi phạm chất lượng. Trong đó có 25 công ty dược phẩm của Ấn Độ có sản phẩm vi phạm chất lượng. Trước tình trạng gia tăng nhiều loại thuốc ngoại nhập không bảo đảm chất lượng, cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu, từ ngày 1/10 tới, 100% số thuốc nhập khẩu của 37 công ty dược nước ngoài từng có thuốc vi phạm chất lượng, sau khi được thông quan, các công ty nhập khẩu thuốc phải chuyển về bảo quản tại các kho đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt bảo quản thuốc" và chỉ được phép đưa ra lưu thông, phân phối khi đã được lấy mẫu, kiểm tra đạt tiêu chuẩn. |
Minh Khánh- Cao Tuân