Gia tộc sở hữu "đảo vàng" Senkaku

Gia tộc sở hữu "đảo vàng" Senkaku

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Dư luận thế giới đặc biệt là Đông Bắc Á đang chăm chú theo dõi việc tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku.

Những tư liệu đầu tiên về "đảo vàng"

Quần đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư Đài, cả hai cái tên đều có nghĩa là "bục câu cá". Senkaku gồm một dãy đảo nhỏ (5 đảo và 3 bãi đá) không có người ở, nằm rải rác, diện tích tổng cộng khoảng 7km2, cách đảo Okinawa của Nhật Bản 300 km về phía tây và 200 km về phía đông bắc Đài Loan.

Một số ghi chép về quần đảo này được ghi nhận vào đầu thế kỉ 15 trong hai quyển sách của Trung Quốc. Cũng trong tấm bản đồ của Trung Hoa thời nhà Minh, quần đảo này cũng được nhắc đến với cả 2 cái tên Nhật - Trung: Điếu Ngư và Uotsuri.

Những miêu tả đầu tiên về quần đảo này xuất hiện ở châu Âu trong cuốn sách của đại sứ người Đức Isaac Titsingh vào năm 1796. Trước đó, cuốn sách này đã được xuất bản tại Nhật năm 1785 miêu tả Senkaku là một phần của Vương quốc Lưu Cầu (Vương quốc Lưu Cầu tồn tại trong các thế kỷ 15-19, được triều đình Trung Hoa hậu thuẫn nhờ có mối giao hảo với các triều Minh - Thanh. Hiện nay, quần đảo này thuộc tỉnh Okinawa, Nhật Bản).

Thế giới - Gia tộc sở hữu 'đảo vàng' Senkaku

Quần đảo Senkaku là trung tâm tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc (ảnh lớn). Ông Hiroyuki Kurihara, người đại diện gia tộc của mình nắm giữ quyền sở hữu quần đảo Senkaku (ảnh nhỏ).

Những tư liệu tham khảo đầu tiên về quần đảo được thuyền trưởng Edward Belcher viết lại năm 1848. Trong quyển sách của mình, ông viết: "Ở đây, người ta đặt tên địa danh một cách vội vàng". Tháng 3 năm 1845, ông đặt cho đảo một cái tên mới là Pinnacle. Trong những năm 1870, 1880, tên tiếng Anh Pinnacle được hải quân Anh sử dụng cho cụm đảo này. (Hiện nay, tên Pinnacle ít được sử dụng vì bị hai cái tên Senkaku và Điếu Ngư "chèn ép").

Năm 1945, Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đảo Đài Loan và nhóm đảo phụ cận được trả lại cho Trung Quốc nhưng Senkaku không nằm trong vùng đất mà Nhật Bản từ bỏ theo điều khoản 2 - Hiệp ước hòa bình San Francisco.

Để thiết lập quan hệ ngoại giao (1972) và đạt được Hiệp ước hòa bình giữa hai nước (1978), Chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản đã đồng ý gác lại tranh chấp sang một bên và sẽ giải quyết khi có điều kiện.

Tâm niệm của gia tộc gìn giữ Senkaku

Năm 1900, Tsune Kuroiwa, một giáo viên tại trường Sư phạm Okinawa đến thăm và đặt tên Senkaku cho quần đảo này. Văn bản chính thức đầu tiên ghi tên Senkaku là của Bộ Ngoại giao Nhật Bản trong Nihon Gaiko Monjo (tài liệu về quan hệ Ngoại giao Nhật Bản) năm 1950.

Chính quyền Nhật Bản chính thức sáp nhập quần đảo vào ngày 14/1/1895. Khoảng những năm 1890, một doanh nhân Nhật tên là Koga Tatsushiro đã đến Senkaku và xây dựng tại đây một nhà máy chế biến cá ngừ và lông hải âu. Nhà máy hoạt động với 200 nhân viên nhưng kinh doanh không thành công. Năm 1932, Koga bán lại 4 hòn đảo cho con trai mình là Zenji. Đến năm 1940, nhà máy đóng cửa và từ đó, các hòn đảo bị bỏ hoang cho đến ngày nay.

Gia đình con trai của Koga Tatsushiro là Zenji và Tatsushiro Hanako không có con. Người bạn thân của gia đình là Kunioki Kurihara rất muốn sở hữu 4 hòn đảo này và từng bước tiếp cận để mua chúng.

Từ năm 1970, Zenji đã lần lượt bán 4 hòn đảo cho gia đình Kurihara với yêu cầu phải kế thừa nhiệm vụ bảo vệ quần đảo. Gia đình Kurihara đã mua đảo Kitakojima và Minamikojima thuộc quần đảo Senkaku vào năm 1972, sau đó mua đảo Uotsuri vào năm 1978 và đến năm 1988 mua thêm đảo Kuba.

Ông Kunioki Kurihara sở hữu đảo Uotsuri, Kita Kojima, và Minami Kojima. Chị của ông Hiroyuki sở hữu đảo Kuba. Gia tộc Kurihara từ chối tiết lộ số tiền bỏ ra để có được quần đảo này. Họ chỉ nói "nhiều hơn" so với mức tiền hàng triệu yên Nhật mà người ta đồn thổi.

Từ khi sở hữu 4 hòn đảo này, gia đình ông Hiroyuki Kurihara (em trai chủ nhân quần đảo, người phát ngôn của gia đình) khẳng định họ sẽ giữ đúng giao ước với người chủ cũ: Không bán đảo cho bất kì cá nhân nào, ngoại trừ Chính phủ Nhật và các tổ chức Nhà nước của Nhật.

Trong suốt thời gian sở hữu 4/5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku, ông Hiroyuki đã từ chối lời hỏi mua của vô số tổ chức và cá nhân. Ông cho biết gia đình chỉ đơn thuần muốn làm theo mong muốn của người bạn.

"Điều mong muốn cuối cùng của ông ấy là đảm bảo lịch sử của quần đảo Senkaku được bảo vệ và anh trai tôi được lựa chọn để làm điều đó", ông Hiroyuki cho biết.

"Không có cách nào biết được mục đích thật sự cũng như nguồn gốc của các tổ chức và các cá nhân, đó là lý do tại sao chúng tôi không bao giờ bán đảo cho họ. Nếu quần đảo Senkaku được bán cho một người khác, có thể cuối cùng nó sẽ về tay của người nước ngoài và nếu điều đó xảy ra, lịch sử của hòn đảo sẽ hoàn toàn bị xóa sổ", ông Hiroyuki, 65 tuổi cho biết.

Gia tộc này mong muốn truyền đời quyền sở hữu trên, nhưng do ông Kunioki đã 70 tuổi mà lại không có con, nên họ đồng ý đàm phán để bán lại cho chính quyền Tokyo.

Gia đình Kurihara ban đầu ở khu vực Omiya bây giờ là một phần của thành phố Saitama (Nhật Bản). Ở đây, họ cũng sở hữu một "cơ ngơi" với diện tích lớn ruộng đất. Hioryuki Kurihara điều hành một công ty kiến trúc và một văn phòng tư vấn y tế ở Tokyo, trong khi anh chị em ông kinh doanh cho thuê tòa nhà.

Từ năm 2002, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật đã trả gia đình Kurihara 25.000.000 yên Nhật/năm (khoảng 320.000 USD) để thuê đảo Uotsuri, Minami Kojima và Kita Kojima. Bộ Quốc phòng Nhật Bản thuê đảo Kuba (nhưng số tiền không được tiết lộ) sau đó cho quân đội Mỹ sử dụng để thực hành các vụ đánh bom máy bay. Chính quyền trung ương của Nhật Bản hoàn toàn sở hữu đảo còn lại (đảo Taisho).

Hiện gia tộc Kurihara và chính quyền Tokyo đang thương thảo giá trị các hòn đảo. "Chúng tôi mua đảo không vì lý do kinh tế, và chúng tôi cũng không muốn bị đàm tiếu là bán đảo vì tham lời", ông Kurihara giải thích.

Thủ tướng cũng phải xếp hàng!

Chính quyền Tokyo và Chính phủ Nhật cùng bày tỏ mong muốn mua lại đảo. Tuy Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đánh tiếng sớm hơn, từ tháng 4/2012, nhưng người ta cho rằng ưu thế thuộc về Chính phủ Nhật vì đây là đơn vị hành chính cao hơn. Tuy vậy, ông Hiroyuki Kurihara khẳng khái nói ngay cả Thủ tướng Nhật cũng không thể chen ngang. "Chúng tôi đang thương thảo với chính quyền Tokyo. Và nguyên tắc của gia đình tôi là không đột ngột thay đổi đối tác cho dù nhân vật mới xuất hiện là ai đi nữa. Làm vậy thô lỗ lắm" - ông Hiroyuki Kurihara nói.

Thanh Xuân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.