XÂY DỰNG ĐỘI HÌNH HAY HƠN ARSENAL
Tiết kiệm là một thói quen của bóng đá Đức. Nhưng sự tiết kiệm có đem lại hiệu quả hay không là vấn đề rất khác. Để so sánh với hiệu quả trong sử dụng ngân sách chuyển nhượng của Dortmund thời của HLV Juergen Klopp, có lẽ ở châu Âu chỉ có Arsenal là xứng đáng.
Trong nhiệm kỳ đã kéo dài 5 mùa giải của mình, HLV Klopp tiêu tổng cộng 67,7 triệu euro. Cùng quãng thời gian đó, Dortmund thu 66,89 triệu từ TTCN. Tức là sau khi cân đối, Klopp đã bội chi 810.000 euro trong 5 năm.
Đây là mức lương của Wayne Rooney chỉ trong vòng 1 tháng. 810.000 euro để có 2 chức vô địch Bundesliga liên tiếp và một đội hình có nhiều ngôi sao khiến cả châu Âu thèm muốn - đó là ước mơ của ngay cả HLV Arsene Wenger.
Thương vụ tiêu biểu của Klopp phải kể đến Kagawa: mua với giá 350.000 euro từ Cerezo Osaka, để chỉ 2 năm sau bán với giá 16 triệu euro cho M.U.
Cùng năm đó, ông cũng mua Robert Lewandowski với giá 4,75 triệu. Hiện tiền đạo Ba Lan đang được định giá khoảng 28 triệu euro và có thể sẽ còn cao hơn nếu M.U và Real cùng vào cuộc. Kevin Grosskreutz cũng đã tăng giá 7 lần kể từ khi anh gia nhập Dortmund năm 2009.
TRIẾT LÝ BÓNG ĐÁ CHẲNG KHÁC BARCELONA
Khi mất bóng bên phần sân đối phương, phản xạ của hầu hết các đội bóng là lùi về tổ chức phòng ngự. Nhưng Dortmund làm ngược lại: họ dâng toàn bộ lên để đoạt lại bóng ở đúng nơi vừa mất. Một thứ bóng đá tổng lực đúng nghĩa.
Toàn bộ đội hình Dortmund có vai trò tương đương với trái bóng. Lewandowski, một cầu thủ mà trong quá khứ người ta sẽ gọi là "tiền đạo cắm", đứng trong vòng cấm chờ đồng đội mớm bóng, giờ phải di chuyển liên tục để có bóng: trung bình, Lewandowski có 1 bàn thắng sau khi đã chạy... hơn 15 km. Không hẳn là tiqui-taca, nhưng cũng là khiêu vũ, là hội họa, là nghệ thuật.
Thứ bóng đá duy nhất mà Dortmund biết là tấn công. Và tấn công đẹp mắt. Họ làm điều đó ngay cả trước những đối thủ đáng gờm nhất, và nhận được phần thưởng xứng đáng: thắng Real trên sân nhà và hòa trên thế thắng ngay tại Bernabeu, hạ nhục Ajax tại Amsterdam và "đóng đinh" cho Man City. Tất nhiên, không thể quên màn hạ nhục Bayern Munich 5-2 tháng 5/2012 trong một vũ điệu tàn bạo.
Dortmund cũng đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa CLB, tạo ra ý thức màu cờ sắc áo cho mọi thế hệ như tại Barca: ở đây, sân tập của đội U9 không tách biệt với sân của đội hình 1. "Chúng tôi muốn lũ trẻ nhìn thấy thần tượng của chúng, để hiểu thế nào là thực chất" - GĐĐH Hans Joachim Watzke tiết lộ.
TINH THẦN & SỐ PHẬN TƯƠNG ĐƯƠNG JUVENTUS
Số phận của Juventus và Dortmund không hoàn toàn tương đồng. Nhưng họ đều đã phải trả giá đắt vì những sai lầm trong quá khứ. Juventus bị đánh xuống Serie B vì móc ngoặc tỷ số. Còn Dortmund, họ là CLB đầu tiên của nước Đức lên sàn chứng khoán, kiếm tiền quá dễ và tiêu tiền còn dễ hơn.
Trong những năm sau chức vô địch Champions League 1997, Dortmund rơi vào "vòng tròn diệt vong" của bóng đá châu Âu: họ phải chi rất nhiều tiền duy trì một đội hình mạnh để tìm kiếm thành công ở cúp châu Âu, vì chỉ có thành công mới... nuôi được đội hình đó. Đội bóng Vàng-Đen đã suýt phá sản, và trở thành một kẻ chiếu dưới của Bundesliga trong gần một thập kỷ.
Nhưng họ đã đứng dậy, trở lại đỉnh cao. Bằng ý chí, bằng kỷ luật. Thủ môn Buffon nói rằng tinh thần của Dortmund khiến anh không thể không nghĩ tới Juve. Giống như nhiều cầu thủ từ chối rời Juve sau khi đội này xuống hạng Nhì, Dortmund cũng chứng kiến lòng trung thành đáng ngạc nhiên của các cầu thủ.
"Chúng tôi chỉ có mức lương 4 đến 5 triệu euro/năm, do giới hạn của quỹ lương. Nhưng đây là một phần của nơi chúng tôi thuộc về" - Mario Goetze tuyên bố. Khác với Arsenal, số cầu thủ chọn từ chối những lời mời của các CLB lớn để phục vụ Dortmund cao hơn rất nhiều so với những người chọn ra đi.
Từ Subotic, Hummels, Goetze cho đến Lewandowski, đều từng được liên hệ bởi các CLB lắm tiền nhiều của tại Premiership, nhưng giờ phút này họ vẫn khoác chiếc áo Vàng-Đen.
THỂ LỰC & LỰC LƯỢNG CĐV KHÔNG NGÁN BAYERN MUNICH
Chính xác hơn, phải nói rằng mặc dù mang những phẩm chất của Arsenal, Juventus và Barcelona, Dortmund vẫn là một CLB Đức điển hình (thứ mà Bayern là đại diện). Nước Đức luôn nổi tiếng với những khán đài ken đặc người. Dortmund là số 1 về khoản đó.
Hiện tại, mỗi trận đấu tại Signal Iduna Park có hơn 80.000 người tới dự khán, cao nhất châu Âu. Ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng nhất, khi phải đá để chống xuống hạng, con số vẫn khiến Serie A và La Liga phải ghen tỵ: 70.000 người/trận. Chính điều đó đã giúp cho họ vượt qua những thử thách để trở lại đỉnh cao.
Nhưng phẩm chất quan trọng nhất mà Dortmund thừa hưởng từ quốc tịch của họ, chỉ một chữ: Khỏe. Vốn từng là một tiền vệ phòng ngự, Klopp hiểu giá trị của thể lực. Nếu tính trong 1,5 mùa giải qua, cả đội hình Dortmund đã chạy một quãng đường bằng từ thành phố Dortmund đến Moscow rồi quay trở lại.
Cứ mỗi phút, hậu vệ Lukasz Piszczek lại chạy 122 mét, và cả mùa anh có thể chạy đến hơn 500 km. Chính điều đó khiến cho họ có thể chơi đôi công với những Man City hay Real Madrid đến tận những phút cuối, thực thi hoàn hảo thứ bóng đá tổng lực mà Juergen Klopp đang theo đuổi.
Và thể lực kinh hoàng này cũng lại đến từ một thứ "rất Đức" khác: khoa học thể thao. Không chi nhiều tiền cho chuyển nhượng, nhưng trung tâm huấn luyện của Dortmund thuộc hàng hiện đại nhất châu Âu. Ở đó, có cỗ máy tự huấn luyện Footbonaut, một siêu phẩm công nghệ phức tạp mà Dortmund sở hữu đầu tiên trên thế giới (ở Premiership và La Liga chưa có cái nào).
Theo Bongdaplus.vn