Giá trị thị trường của Apple lần đầu vượt mức 3 nghìn tỷ USD hôm 30/6, nhờ các dấu hiệu lạm phát được cải thiện và niềm tin của nhà đầu tư rằng nhà sản xuất iPhone sẽ mở rộng thành công sang các thị trường mới. Apple là công ty duy nhất từng đạt cột mốc này.
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, cổ phiếu của công ty có giá trị nhất thế giới đã tăng 2,3% lên 193,97 USD/cổ phiếu. Với 15,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, mức giá mới này đã đẩy vốn hóa thị trường của Apple lên mức 3,05 nghìn tỷ USD.
Giá trị vốn hóa thị trường của công ty có trụ sở tại Cupertino, California, Mỹ đã từng đạt đỉnh trên 3 nghìn tỷ USD trong giao dịch ngày 3/1/2022, nhưng tuột mốc này ở cuối phiên giao dịch.
Cổ phiếu của Apple đã tăng 49% kể từ đầu năm đến nay trong bối cảnh các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ vào cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI). Nvidia dẫn đầu bảng chỉ số S&P 500 với mức tăng 190% trong năm nay, đã đưa nhà sản xuất chip này vào câu lạc bộ nghìn tỷ USD, tiếp theo là Meta với 138%.
Báo cáo quý I của Apple vào tháng 5 cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của công ty giảm, nhưng vẫn đánh bại kỳ vọng của các nhà phân tích. Cùng với việc mua lại cổ phiếu ổn định, kết quả tài chính đã củng cố danh tiếng của cổ phiếu Apple như một khoản đầu tư an toàn vào thời điểm kinh tế toàn cầu bất ổn.
Cột mốc 3 nghìn tỷ USD của Apple đạt được sau khi công ty ra mắt kính thực tế ảo tăng cường Vision Pro vào ngày 5/6. Đây là “canh bạc” rủi ro nhất kể từ khi Apple giới thiệu iPhone hơn một thập kỷ trước. Cổ phiếu công ty đã tăng khoảng 7% kể từ đó.
Mức tăng gần đây của cổ phiếu Apple vượt xa ước tính của các nhà phân tích về thu nhập trong tương lai của công ty. Cổ phiếu này hiện đang giao dịch ở mức cao hơn 29 lần thu nhập dự kiến, mức cao nhất kể từ tháng 1/2022, theo dữ liệu của Refinitiv.
Thành công trên thị trường chứng khoán năm nay của Apple hoàn toàn trái ngược với năm 2022. Đầu năm 2023, giá trị vốn hóa thị trường của Apple lần đầu tiên giảm xuống dưới 2 nghìn tỷ USD kể từ đầu năm 2021.
Nguyễn Tuyết (Theo CNN, Reuters)