Thị trường tài chính toàn cầu đã phản ứng tiêu cực vào đầu ngày 24/2 sau khi Nga chính thức thực hiện hành động can thiệp vào Ukraine.
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm, trong khi hợp đồng tương lai chỉ số Mỹ và châu Âu đạt khoảng 3% do giá hàng hóa tăng mạnh. Điểm chuẩn của thị trường ở Tokyo, Seoul giảm 2% khi Hồng Kông, Sydney mất hơn 3%. Trong số các thị trường khu vực châu Âu, DAX kỳ hạn của Đức giảm 4,4% và FTSE kỳ hạn của Anh giảm 2,4%.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Donbas, miền đông Ukraina, những tiếng nổ đã vang lên tại nhiều thành phố khác nhau của đất nước. Sau thông tin trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong khi các đại sứ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường.
Giá vàng lên tới mức gần 1.950 USD/ounce, giá dầu Brent đạt mức cao nhất trong 8 năm là 100 USD/ thùng. Giá lúa mì cũng tăng khoảng 6%.
Sở giao dịch chứng khoán Moscow thông báo tạm ngừng giao dịch cho đến khi có thông báo mới từ chính phủ.
Trên thị trường châu Âu, giá khí đốt tự nhiên hợp đồng tương lai giao tháng 3 đã tăng hơn 10% lên mức 88 Euro (99 USD)/MWh. Vào hôm 23/2, lạm phát tháng 1/2022 của khu vực đồng Euro tăng lên mức kỷ lục 5,1% trong khi thị trường chứng khoán đóng cửa với những số liệu trái chiều.
Các chỉ số trên thị trường châu Á cũng cho thấy phản ứng tiêu cực vào hôm nay. Borsa Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa trong ngày ở 2.016,03 điểm, giảm 0,07%.
Các nhà dự báo cho rằng những nền kinh tế châu Á có thể đối mặt với rủi ro thấp hơn châu Âu khi một cuộc tấn công của Nga xảy ra dẫn đến các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, họ nhận định rằng các nền kinh tế nhập khẩu dầu có thể bị ảnh hưởng lớn, bởi giá sẽ tăng cao nếu nguồn cung từ Nga bị gián đoạn. Các nhà phân tích cho biết những biến động về giá năng lượng sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với lạm phát và chính sách tiền tệ.
Hôm 23/2, tất cả các thị trường chứng khoán Mỹ đều đóng cửa với phiên giảm điểm. Nhiều nhà phân tích cho rằng bất chấp sức ép của bất ổn địa chính trị đối với chứng khoán, tâm lý quan ngại của các nhà giao dịch đã xuất phát từ khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất. Chỉ số giá tiêu dùng CPI (thước đo lạm phát) tại Mỹ trong tháng 1 vừa qua đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982.
Yahoo.finance đã trích dẫn nhận định của ông Brad McMillan, Giám đốc đầu tư của Mạng lưới Tài chính Commonwealth, hôm 24/2 cho rằng: “Cho đến nay, có vẻ như Ukraina không phải là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của thị trường, mặc dù có những lo ngại"; “Vậy điều gì đã kéo thị trường đi xuống, nếu không phải là cuộc khủng hoảng Ukraina? Yếu tố có khả năng cao nhất, cũng là yếu tố có ý nghĩa cơ bản và toán học, là lãi suất cao hơn”.
Ông cho biết: “Phố Wall dường như lo lắng về Chủ tịch FED Jay Powell hơn nhiều so với Tổng thống Vladimir Putin, ít nhất là vào lúc này”.
Phạm Hà Thanh (Yahoo.News, AA)