Giá vàng “nhảy múa”: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Giá vàng “nhảy múa”: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 4, 20/03/2024 11:28

Trước bối cảnh giá vàng liên tục “nhảy múa”, câu chuyện có nên đưa vàng lên sàn- vấn đề “bỏ ngỏ” từ nhiều năm trước lại được các chuyên gia đề cập tới.

Đối mặt với rủi ro từ chính sách trong 10 ngày tới

Theo cập nhật của Vietnamnet, tới 20h00 tối 19/3 (giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay giao ngay trên thị trường thế giới xuống mức 2.157 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 năm 2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.182 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 19/3 cao hơn khoảng 4,6% (94 USD/ounce) so với cuối năm 2023. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 65,4 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 16,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 19/3.

Giá vàng trên thế giới suy giảm và đang hướng tới ngưỡng nhạy cảm 2.150 USD/ounce và có thể lao dốc nếu xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ rất mạnh này.

Tài chính - Ngân hàng - Giá vàng “nhảy múa”: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Giới đầu tư hiện khá thận trọng với vàng, đặc biệt trong 10 ngày cuối cùng của tháng 3.

Ở trong nước, vàng miếng SJC và vàng nhẫn cũng đối mặt với rủi ro từ chính sách. Theo đó, giới đầu tư hiện khá thận trọng với vàng, đặc biệt trong 10 ngày cuối cùng của tháng 3. Gần đây, áp lực chốt lời đối với mặt hàng này khá lớn.

Giá vàng trong nước sáng nay đồng loạt giảm trở lại, trong khi giá USD lại tiếp tục tăng. Ghi nhận của Người Lao động lúc 8h30 ngày 20/3, giá vàng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 79,7 triệu đồng/lượng, bán ra 81,7 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng mỗi lượng so với sáng hôm qua.

Một số doanh nghiệp khác giao dịch vàng SJC ở mức thấp hơn, như Công ty PNJ bán giá 81,5 triệu đồng/lượng, Tập đoàn DOJI bán ra 81,6 triệu đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giá mua - bán được duy trì ở mức cao khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Thời gian gần đây, giá vàng liên tục “nhảy múa” khiến nhà đầu tư trở tay không kịp và cũng trở thành vấn đề “nóng” được đưa ra bàn thảo trên nghị trường Quốc hội. Cụ thể, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính ngày 18/3, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội kiến nghị có giải pháp quản lý thị trường vàng và giá USD biến động mạnh thời gian qua.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh, thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi liên quan đến vàng và ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết lĩnh vực này thuộc về Ngân hàng Nhà nước quản lý. Với chức năng chống buôn lậu và gian lận thương mại, Bộ Tài chính quản lý vùng biên giới để khi giá vàng, ngoại tệ của Việt Nam tăng cao thì hàng lậu không tuồn vào.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, phía Bộ đã siết chặt các cửa khẩu để quản lý số vàng, ngoại tệ này. Thời gian qua đã bắt được một số vụ chuyển USD, ngoại tệ trong nước, nước ngoài như chuyển đi Hàn Quốc 1,6 tỷ USD hay hiện đang điều tra, xử lý 3.700 tỷ đồng hoặc 1 triệu USD giả chuyển qua đường hàng không. "Chúng tôi đang siết chặt vấn đề này", ông Phớc nói.

Về phương pháp kiểm soát giá vàng và USD, Bộ trưởng nêu quan điểm phải triển khai đồng bộ một loạt giải pháp. Cụ thể, về giá vàng thì liên quan đến tình hình cung - cầu, liên quan đến xuất nhập khẩu. "Chúng ta có nên siết chặt kinh doanh vàng hay không? Hay siết chặt mua bán thế nào, có nên nhập khẩu vàng không? Đây là những câu hỏi đang được đặt ra", Bộ trưởng nêu.

Có nên đưa vàng lên sàn?

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này sẽ đưa ra đánh giá và sửa đổi bổ sung cho Nghị định 24 (năm 2012) về quản lý thị trường vàng trong quý I và có những biện pháp để ổn định thị trường này.

Xoay quanh vấn đề sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, để giải quyết bài toán bình thường thị trường vàng trước những bất ổn của chính sách đã và đang tồn tại, không ít ý kiến đề xuất, cần xóa bỏ thế độc quyền kinh doanh vàng miếng và lập sàn giao dịch vàng. Thực tế, câu chuyện thành lập sàn giao dịch vàng đã được đề cập từ nhiều năm trở lại đây, nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn còn “bỏ ngỏ.”

Tài chính - Ngân hàng - Giá vàng “nhảy múa”: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ (Hình 2).

Nhiều ý kiến cho rằng, nên thành lập sàn giao dịch vàng.

 Một số chuyên gia cho rằng thay vì phải mua bán vàng vật chất như hiện nay nên thành lập sở giao dịch vàng, từ đó người nắm giữ vàng có thể mang lưu ký vàng ở những đơn vị được phép, mở tài khoản giao dịch và thực hiện mua bán trên đó. Sở giao dịch vàng sẽ chuẩn hóa thị trường vàng, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong hoạt động kinh doanh vàng. Khi có sàn giao dịch vàng hoạt động, thị trường sẽ phát triển minh bạch hơn, văn minh hơn.

Giá vàng không ngừng "nhảy múa" và tình trạng độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC cho thấy đã đến lúc cần trả vàng về cho thị trường vận hành và Nhân hàng Nhà nước chỉ giám sát về khối lượng, giá cả khi cần thiết.

Trao đổi với Vietnam+, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai, bất kể người nào tham gia sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, mua… Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường này đưa ra các quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát tốt hơn.

Một điểm quan trọng nữa được ông Cường chỉ ra là nếu có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông trên thị trường thế giới sẽ dễ dàng, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.

Theo ông Cường, khi thành lập sàn vàng cần tính tới mô hình sẽ như thế nào, cấp độ sàn sơ cấp chỉ có một số nhà kinh doanh rất chuyên nghiệp mới giao dịch ở đó và thông qua liên thông quốc tế, còn sàn thứ cấp dành cho mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để chúng ta phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó xây dựng khuôn khổ pháp lý để kiểm soát, công nghệ thông tin để bảo đảm hàng hóa trên sàn… Đó là những vấn đề chúng ta cần quan tâm để tạo ra khung khổ pháp lý và điều kiện hoạt động nhằm phát triển lành mạnh cả thị trường vàng vật chất và thị trường vàng trên sàn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnhcho rằng, việc thành lập sàn kinh doanh vàng cũng cần thiết, nhưng không phải mục tiêu chính. Vấn đề là chúng ta phải chấn chỉnh lại hoạt động của thị trường vàng như một phần của hoạt động tài chính tiền tệ, làm sao cho việc quản lý vàng vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nhà nước là tránh “vàng hóa nền kinh tế,” tránh đưa vàng vào một loạt tiền tệ trong thị trường đồng thời đảm bảo yêu cầu sản xuất, sử dụng vàng trong dân; từ đó tạo ra thông thoáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Đây là mục tiêu chúng ta cần hướng tới, thay vì chỉ đơn thuần lập sàn giao dịch vàng.

Chính phủ yêu cầu khẩn trương thanh tra thị trường vàng

Liên quan đến quản lý thị trường vàng, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tháng 2 về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Cụ thể, văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp ổn định thị trường vàng được giao tại công điện và chỉ thị của Thủ tướng và các công văn của Văn phòng Chính phủ.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng.

Gắn với đó là việc giám sát, thanh kiểm tra với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.

Mục tiêu nhằm bảo đảm ổn định, bình ổn, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Đồng thời, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Các nhiệm vụ này được yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 3/2024.

M.Vy (T/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.