Các doanh nghiệp buôn vàng đang niêm yết giá kim loại quý này với mức chênh lệch lớn giữa giá mua vào - bán ra. Bên cạnh đó, hiện tượng giá vàng đảo chiều ngay trong ngày khiến nhiều người băn khoăn không rõ có nên xuống tiền đầu tư lúc này.
Giá vàng đảo chiều trong ngày
Thị trường tài chính toàn cầu vẫn ghi nhận những biến động mạnh sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga - Ukraine không ghi nhận kết quả khả quan. Trong đó, giá dầu thô tuy đã hạ nhiệt nhưng hiện vẫn giao dịch quanh vùng 123 USD/thùng, tăng 2% trong ngày. Mức này đã tăng khoảng 17,5% so với một tuần trước.
Khảo sát trên Kitco cho biết chiều chuyên gia cho rằng giá vàng chắc chắn tăng mạnh trong tuần này. Thực tế, vàng đã tăng mạnh trong phiên đầu tuần và thử ngưỡng 2.000 USD. Tuy nhiên, vàng vẫn được dự báo còn tăng giá cho dù Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có tăng lãi suất. Theo đó, chừng nào căng thẳng chính trị tại Nga - Ukraine còn tiếp tục, vàng còn mạnh.
Còn theo OANDA, chưa có dấu hiệu nào cho thấy giao tranh ở Ukraina sẽ giảm leo thang và thế giới đối mặt với suy giảm tăng trưởng. Điều đó sẽ kích thích dòng tiền chảy vào tài sản an toàn hơn nữa, trong đó có kim loại quý.
Khi giá vàng thế giới lập đỉnh lịch sử, chạm mốc 2.063 USD hồi tháng 8/2020, giá trong nước cũng lập đỉnh 62 triệu đồng/lượng. Giá thế giới sáng nay còn cách đỉnh cũ khoảng 76 USD, tương đương 1,7 triệu đồng nhưng giá trong nước đã cách mốc đỉnh cũ đến 12 triệu đồng.
Tại Việt Nam, sau khi đóng cửa ở mức 71,7-73,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) cuối ngày 7/3, giá vàng tiếp tục tăng 3,7 triệu giá mua và 4,5 triệu đồng giá bán so với sáng cùng ngày. Sáng 8/3. Công ty Vàng bạc Đá quý SJC tiếp tục nâng giá mua vàng miếng thêm 1 triệu đồng và giá bán thêm 800.000 đồng, phổ biến ở mức 72,7 triệu/lượng mua vào và 74,3 triệu/lượng bán ra. Như vậy, vàng miếng SJC một lần nữa thiết lập đỉnh giá mới trong lịch sử.
Đến chiều, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 2.008 USD, diễn biến tăng mạnh khi chính trị leo thang và chỉ còn cách đỉnh cũ khoảng 55 USD.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại ngược dòng thị trường kim loại quý thế giới. Các nhà vàng trong nước đột ngột điều chỉnh giá giao dịch xuống sâu. Tại SJC, niêm yết giá bán ra 72,3 triệu đồng, giảm 2,2 triệu đồng mỗi lượng. Còn giá mua vào chỉ giảm 2 triệu đồng, xuống 70,5 triệu đồng. Do giá trong nước và thế giới ngược chiều nên chênh lệch khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng cũng được thu hẹp. Vàng SJC hiện chỉ còn cao hơn giá thế giới hơn 16 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng do nguồn cung thấp hơn nguồn cầu
Các hệ thống kinh doanh vàng khác tại Hà Nội và Tp.HCM như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu... sáng nay đồng loạt nâng giá bán lên 74-74,2 triệu đồng. Tuy nhiên, đến chiều cũng đồng loạt giảm mạnh. Bảo Tín Minh Châu và DOJI hạ giá bán về quanh vùng 72,5 triệu đồng.
Dù giá vàng tăng lên hay giảm sâu thì chênh lệch giữa giá mua vàng - bán ra vẫn ở mức khoảng 2 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhận định giá vàng phụ thuộc lớn vào biến động kinh tế, chính trị - xã hội.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá vàng ở Việt Nam đang giao dịch ở mức "quá cao". Thời điểm giá vàng miếng SJC lên đỉnh 74,4 triệu đồng/lượng, đồng nghĩa mức chênh lệch giữa vàng Việt Nam và vàng thế giới lên đến gần 20 triệu đồng. Đến phiên chiều dù chênh lệch thu hẹp xuống mốc hơn 16 triệu thì đây vẫn là mức lớn.
PGS.TS cho biết giá vàng Việt Nam hiện chưa liên thông với thế giới do khối lượng nhập khẩu ít. Việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng khiến các doanh nghiệp không thể tự chủ nguồn cung. Các doanh nghiệp buộc phải mua được mới có thể bán được, tạo nên hiệu ứng khan hiếm.
Ngoài ra, PGS cũng cho rằng nhiều khách hàng có xu hướng găm vàng khiến dù nguồn cung hạn chế nhưng nguồn cầu lại đột biến. Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng Thế Giới, nhu cầu về trang sức ở Việt Nam ghi nhận đạt 12 tấn trong năm 2021, cao hơn 11% so với con số 11 tấn trong năm 2020.
Ngoài ra, khủng hoảng do chính trị leo thang tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao nên sản xuất kinh doanh trì trệ. Với nhiều nhà đầu tư, các kênh đầu tư khác sẽ rủi ro. Khi kinh tế phát triển chậm, chứng khoán không phải là kênh an toàn và ngân hàng tăng lãi suất năm 2022 không đáng kể. "Điều này hình thành tâm lý vàng là kênh trú ẩn an toàn" - PGS.TS nói.
Có nên mua vàng thời điểm này?
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giá vàng tăng mạnh không dựa trên nền tảng của sự phát triển kinh tế nên chỉ mang tính nhất thời, không bền vững. Theo ông, khi xảy ra xung đột địa chính trị, chứng khoán và giá vàng sẽ biến động mạnh. Tuy nhiên, căng thẳng nào rồi cũng sẽ hạ nhiệt, điều này sẽ kéo theo đà giảm của vàng. Vì vậy, theo ông, giá vàng hôm nay tăng chỉ có tính cục bộ, nên mua vào hay bán ra đều phải cẩn trọng.
Theo ông Thịnh, các nhà đầu tư trong nước không nên "lướt sóng" vàng giai đoạn biến động mạnh bởi lẽ hiện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang quá cao. Nếu "găm" vàng, người mua sẽ phải trả với mức giá đắt hơn hàng triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều. Bằng chứng là chỉ trong hôm nay, giá vàng trong nước đã giảm tới 2 triệu đồng/lượng.
"Chỉ nên mua vàng với món nhỏ khi cần thiết, còn mua đầu tư dài hạn thì hiện chưa phải là thời điểm thích hợp" - ông Thịnh khuyến cáo.
Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV - cũng cho rằng giá vàng tăng thời gian vừa rồi chỉ là tạm thời.
Việc tăng nóng của giá vàng trong nước không có sự bền vững, giá vàng đang diễn biến khó lường, có thể tăng hoặc giảm mạnh, nhà đầu tư không thể dự đoán trước. Diễn biến giá vàng khó đoán định do biến động hiện phụ thuộc hoàn toàn vào bất ổn Nga - Ukraine, giá vàng có thể đi lên nhưng cũng có thể lao dốc ngay khi một hoặc hai bên đạt được thỏa thuận.
"Khi xuống tiền đầu tư vào bất cứ lĩnh vực gì, cần cân nhắc, xem xét kỹ càng và không nên chạy theo tâm lý đám đông" - TS Cấn Văn Lực cho hay. Ông Lực cũng nhấn mạnh người dân nên thận trọng, tỉnh táo trước khi đầu tư nếu không muốn lỗ nặng.