Sau 3 tháng tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, nâng cấp, thay mới nội thất, trang thiết bị với tổng chi phí hơn 5 tỷ đồng, sân khấu kịch Thế giới trẻ vừa mở cửa hoạt động trở lại.
Song song khi tái diễn vở kịch “Chuyện tình Bangkok”, sân khấu cũng công diễn vở ca vũ nhạc kịch “Gia vũ yên đăng” của tác giả Công Triển, đạo diễn Hứa Mẫn cùng dàn diễn viên Nam Thư, Puka, Hồng Trang, Nguyễn Anh Tú,…
Chất liệu từ câu chuyện quen thuộc xoay quanh mâu thuẫn trong gia đình phong kiến đã được biên kịch xây dựng với nhiều điểm nhấn đặc sắc. Trong bối cảnh một gia đình phong kiến giàu có nhờ nghề làm lụa tại phố cổ Hội An, những người phụ nữ chung chồng đều có nỗi niềm riêng.
Có người sống với nỗi oán hận vì mất đi đứa con đầu lòng, có người tìm thấy tình yêu đẹp bên ngoài ngôi nhà của chồng mình, có cô gái trẻ đứng giữa giông bão của nhiều âm mưu, tính toán.
Nhưng trên hết, kịch bản đã thể hiện được số phận của từng nhân vật, giúp khán giả hiểu và đồng cảm với thân phận người phụ nữ thời xưa. Từ đó, thông điệp về lễ giáo phong kiến, trọng nam khinh nữ đã được gửi gắm khéo léo đến người xem.
Trong dàn diễn viên của tác phẩm, Nam Thư là điểm sáng với lối xử lý tình huống linh hoạt, thông minh. Vai diễn có cá tính mạnh nhưng cô vẫn tinh tế khi diễn cảnh nội tâm hay tình cảm lãng mạn.
Bên cạnh đó, Puka cũng tròn vai dễ thương, duyên dáng, dịu hiền. Tuy nhiên, nữ diễn viên trẻ vẫn thiếu nét sắc sảo để đột phá trên sân khấu.
Là nút thắt cho câu chuyện, nữ diễn viên Hồng Trang chứng tỏ bản lĩnh nghề với vai diễn khá khó. Không quá chú trọng vào kỹ xảo mà chỉ cần tiếng nói, cô đã đẩy nhịp độ kịch tính của câu chuyện và trở thành điểm tựa cho các bạn diễn khác.
Tuy nhiên, dàn diễn viên nam trong vở diễn khá nhạt nhòa. Ngoại trừ Anh Tú đã tận dụng tốt đất diễn của mình thì các diễn viên khác không tạo được dấu ấn riêng.
Về các yếu tố khác, trang phục được đầu tư công phu cùng thiết kế sân khấu xuất sắc là điểm cộng cho đạo diễn trẻ Hứa Mẫn. Trang phục vừa vặn trong bối cảnh câu chuyện với áo lụa sặc sỡ, trâm cài trang nhã đã giúp diễn viên tạo ấn tượng phù hợp trong diễn xuất.
Ngoài ra, vở kịch trên sân khấu nhỏ nhưng được dựng cảnh bằng lụa cùng bàn xoay đã giúp không gian được tận dụng tối đa.
Yếu tố văn hóa lịch sử cũng được lồng ghép khá tốt khi nội dung nói lên được lịch sử giao thương của vùng đất Hội An, cũng như tiết mục hát bài chòi đặc sắc.
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể thì đây là bước đi khá liều lĩnh của sân khấu Thế giới trẻ. Có sự tham gia của nhiều nhân tố bước ra từ các gameshow, cuộc thi về hài kịch, nhưng đây lại là vở diễn mang màu sắc buồn.
“Gia vũ yên đăng” không phải là vở bi kịch đầu tiên của sân khấu Thế giới trẻ khi trước đó đã có “Đời như ý”, nhưng nếu nhìn nhận khách quan về địa điểm và đối tượng khán giả trung thành của sân khấu thì kịch hài, kịch tình cảm vẫn là hướng đi an toàn hơn.
Vì thế, tác phẩm bi kịch quen thuộc được làm mới bằng thể loại ca vũ nhạc có thành công hay không, vẫn là dấu hỏi khá lớn.