Giá xăng dầu giảm liên tục, CPI tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,005%

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 2, 29/08/2022 10:00

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,64%.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước.

Nguyên nhân là do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại, tuy nhiên giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,005% của CPI tháng 8 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm nhóm giáo dục tăng cao nhất với 1,46%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,05% (làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm, trong đó, lương thực tăng 0,19%; thực phẩm tăng 1,33%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,73%).

Ngoài ra, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,43%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,27% do nhu cầu tiêu dùng cao, đồng thời giá nguyên liệu sản xuất đồ uống tăng.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,26%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%; nhóm giao thông giảm 5,51% (làm CPI chung giảm 0,53 điểm phần trăm).

Lạm phát cơ bản tháng 8 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,06% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/8/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.787,59 USD/ounce, tăng 3,2% so với tháng 7/2022 do các nhà đầu tư lo ngại lạm phát của Mỹ cao còn kéo dài và FED sẽ mạnh tay tăng thêm lãi suất trong thời gian tới nên tìm đến vàng như tài sản trú ẩn an toàn.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8/2022 giảm 0,9% so với tháng trước; tăng 5,87% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 6,5%.

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới chủ yếu giảm trong các ngày đầu tháng 8/2022 trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy lạm phát tăng cao.

Tính đến ngày 25/8/2022, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 106,5 điểm, giảm 0,26 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.528 VND/USD.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2022 tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 0,37%.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.