Giá xăng dầu “níu chân” doanh nghiệp vận tải phục hồi

Giá xăng dầu “níu chân” doanh nghiệp vận tải phục hồi

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 3, 09/08/2022 13:46

Sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp vận tải không tỉ lệ thuận so với sự phục hồi nhanh chóng sau dịch do trở ngại từ giá nhiên liệu tăng trong nửa đầu năm.

Những mảng màu sáng tối

Trong những tháng vừa qua, cùng với quá trình bình thường mới, hoạt động vận tải đã có sự trở lại nhanh chóng. Theo thống kê của Bộ GTVT, vận chuyển hành khách tháng 7/2022 ước đạt hơn 368 triệu lượt khách, tăng tới 288,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng ước đạt 2.248 triệu lượt khách, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Luân chuyển hành khách ước đạt 19,2 triệu HK.km tăng 487% so với cùng kỳ, lũy kế 7 tháng ước đạt 107,1 tỷ HK.km tăng 37,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng không tăng 98,5%, đường biển tăng 42,8%, đường sắt tăng 99,7%, đường bộ tăng 19,2% và đường thủy tăng 28%”.

Ngoài sản lượng hành khách, sự hồi phục của ngành vận tải còn được phản ánh qua kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.

CTCP Ánh Dương Việt Nam (HOSE: VNS) - công ty kinh doanh dịch vụ taxi lớn nhất Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tp.Vũng Tàu, vừa tiếp tục ghi nhận quý thứ 2 có lãi, sau 8 quý liên tiếp thua lỗ.

Cụ thể, trong quý 2/2022, doanh thu thuần của công ty này ghi nhận gần 247 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Không những thế, giá vốn còn giảm 10%, đẩy lãi gộp đạt hơn 87 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp gần 28 tỷ đồng.

Theo Vinasun, kết quả quý 2 hồi phục mạnh nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế phục hồi trở lại đã tác động tích cực đến hoạt động của Công ty. Ngoài ra, 100% xe của Công ty đã được đưa vào hoạt động, không còn xe nằm bãi nên các chi phí cũng được tiết giảm.

Việc chi phí được tiết giảm không chỉ nằm ở giá vốn mà còn ở chi phí bán hàng khi chi phí này giảm đến 35%, còn gần 15 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý chỉ tăng nhẹ 4%, lên hơn 23 tỷ đồng.

Nhìn chung, Vinasun đã có sự phục hồi đáng kể khi báo lãi ròng hơn 56 tỷ đồng trong quý 2, trong khi cùng kỳ lỗ gần 66 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinasun đạt doanh thu thuần 411 tỷ đồng, tăng so với mức 371 tỷ đồng nửa đầu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của Vinasun là 69,3 tỷ đồng. Đây là con số khả quan, nhất là khi đặt cạnh khoản lỗ gần 97 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2021.

Hồ sơ doanh nghiệp - Giá xăng dầu “níu chân” doanh nghiệp vận tải phục hồi

Trong 7 tháng đầu năm, vận tải hành khách ước đạt 2.248 triệu lượt khách, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng chứng kiến sự tăng trưởng trong quý II, CTCP Tập đoàn Alpha Seven (HNX: DL1) - doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ qua các bến bãi xe khách, xe buýt hay bãi đỗ xe tải ghi nhận doanh thu thuần tăng đến 135% đạt mức 101,3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 80,1% đạt mức 21 tỷ đồng.

Thực tế, đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất mà Alpha Seven đạt được kể từ khi niêm yết trên sàn đến nay.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 135 tỷ đồng, tăng 2,45 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 36,8 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, CTCP PGT Holdings (HNX: PGT) đơn vị vận hành thương hiệu Taxi Petrolimex trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận mức doanh thu tăng đến gần 20 lần, đạt 8,13 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 3 lần, đạt gần 1,5 tỷ đồng. Mức chệnh lệch tăng trưởng giữa doanh thu và lợi nhuận được giải thích chủ yếu là do giá vốn mà cụ thể là giá nhiên liệu tăng mạnh trong kỳ.

Bên cạnh các doanh nghiệp có mức tăng trưởng dương, nhiều doanh nghiệp trong ngành tuy không có lãi nhưng cũng có mức giảm lỗ đáng ghi nhận trong nửa đầu năm nay.

Theo báo cáo tài chính quý II của CTCP Hoàng Hà (HNX: HHG), trong kỳ, công ty này đạt doanh thu thuần gần 33,4 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên do giá nhiên liệu trong quý II tiếp tục tăng mạnh nên giá vốn hàng bán cũng tăng gần 19% đạt gần 38,3 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận gộp của HHG tiếp tục là con số âm. Khấu trừ chi phí, công ty vận tải này lỗ 11,36 tỷ đồng, giảm lỗ 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty này ghi nhận doanh thu thuần 56,12 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ; lỗ gần 27,5 tỷ đồng, con số không giảm đáng kể so với mức lỗ 29,5% của cùng kỳ năm ngoái.

Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn, CTCP Xe khách Sài Gòn (UPCoM: BSG) ghi nhận trong quý II doanh thu thuần đạt 111,5 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt mức hơn 1 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, dù thấp nhưng cũng đã chấm dứt 4 kỳ liên tiếp lợi nhuận âm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, xe khách Sài Gòn có doanh thu thuần tăng nhẹ 5% đạt mức 195,6 tỷ đồng trong khi đó mức lỗ lại tăng tới 20% (lỗ 8,23 tỷ đồng) chủ yếu ảnh hưởng từ mức lỗ 9,25 tỷ đồng ở quý I.

Xăng dầu “níu chân” phục hồi

Trao đổi với Người Đưa Tin về bức tranh ngành vận tải nửa đầu năm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết ngành vận tải đang trong quá trình phục hồi một cách nhanh chóng, theo đó vận tải hàng hóa cơ bản phục hồi như giai đoạn trước dịch, vận tải hành khách phục hồi ước đạt được 70-80% trong đó riêng vận tải du lịch gần như trở lại so với giai đoạn trước dich.

Lý giải về “sức khỏe tài chính” của doanh nghiệp, ông Quyền cho rằng trong nửa đầu năm nhất là quý II chi phí xăng dầu tiếp tục tăng kỷ lục đã chiếm tới 50-60% trong giá thành vận tải của doanh nghiệp, khiến cho lợi nhuận không tăng tỷ lệ thuận với tốc độ phục hồi của ngành.

“Số lượng hành khách trên một chuyến xe chưa ổn định và đạt được mức bình thường như giai đoạn trước dịch trong khi chi phí xăng dầu lại tăng nhanh chóng dẫn tới doanh thu, lợi nhuận chưa đạt được như kỳ vọng”, ông Quyền khẳng định.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết thời gian gần đây giá xăng dầu đã có giảm sau nhiều nỗ lực của nhà nước đã làm giảm nhẹ gánh nặng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên thời gian giảm chưa lâu, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản cho các doanh nghiệp.

Hồ sơ doanh nghiệp - Giá xăng dầu “níu chân” doanh nghiệp vận tải phục hồi (Hình 2).

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Quyền cảnh báo thời gian gần đây tình trạng xe dù, xe cóc, bắt khách ngoài bến đang có dấu hiệu gia tăng làm ảnh hưởng sự cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động tuân thủ quy định.

Do đó, ông Quyền kiến nghị các cơ quan chức năng đặc biệt là lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông,.. tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh lại hoạt động vận tải, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.

“Với việc áp dụng camera hành trình và gần đây là lệnh vận chuyển điện tử sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng để cơ quan chức năng quản lý một cách chặt chẽ, đảm bảo hoạt động vận tải diễn ra đúng quy định của pháp luật’, ông Quyền chia sẻ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.