Hiện tại, giá dầu thô thế giới đã giảm tới 30%, đẩy dầu thô xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, từ 45 USD/thùng xuống còn 31,02 USD/thùng.
Như vậy, những biến động của thị trường dầu thô trên thế giới sẽ có tác động đến thị trường xăng dầu tại Việt Nam.
Cụ thể, giá dầu thô thế giới chi phối giá cơ sở của Nhà nước, do đó giá dầu thô thế giới giảm sẽ kéo theo giá bán xăng dầu trong nước giảm và ngược lại.
Cứ theo chu kỳ 15 ngày, Nhà nước sẽ công bố giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước.
Theo một đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM, giá xăng dầu thành phẩm trong nước sẽ tương đương với xăng dầu nhập khẩu để đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường.
Các chuyên gia dự báo, những biến động theo xu hướng giảm mạnh của giá dầu thô thế giới được kỳ vọng sẽ tạo cho giá xăng dầu trong nước giảm mạnh trong kỳ điều hành giá giữa tháng 3 này.
Trước đó, trong kỳ điều hành giá gần đây nhất (ngày 29/2), Bộ Công thương đã điều chỉnh giảm giá xăng ở hầu hết các mặt hàng ở mức 157-390 đồng/lít.
Lãnh đạo công ty TNHH thương mại KK Petro cũng nhận định, giá xăng dầu kỳ điều hành tới sẽ giảm. Nhưng mức giá sẽ phụ thuộc vào phương án điều chỉnh giá của liên bộ Tài chính - Công Thương (tính thuế phí, quỹ bình ổn...).
Vị này cũng nhấn mạnh, giá điều hành sẽ là giá xăng dầu thành phẩm bình quân 15 ngày chứ không chỉ là giá ngày giảm mạnh vừa qua.
Với đợt giảm giá này, các doanh nghiệp phân phối đã chủ động cắt giảm sản lượng nhập xăng dầu, lượng hàng tồn 40-50% nhưng hiện nay giảm còn 20-30% và chỉ nhập đủ sản lượng bán ra nhằm giảm thiệt hại.
“Trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh, doanh nghiệp xăng dầu trong nước cứ nhập về là mặc nhiên đã lỗ.
Trong khi theo quy định, chúng tôi phải dự trữ xăng dầu đảm bảo 30 ngày nên giá biến động mạnh trong tháng qua khiến doanh nghiệp không biết lấy gì bù đắp”, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN trình bày.
Chịu ảnh hưởng nhiều không kém là các công ty ngành vận tải, du lịch. Nhưng giữa mùa dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khổ vì không có khách, kinh doanh khó khăn.
Một đơn vị vận tải hành khách ở TP.HCM cho hay, lượng khách đã giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mảng vận tải du lịch cũng điêu đứng khi vào mùa lễ hội khi khách giảm 35-40% so với cùng kỳ 2019. Mảng kinh doanh bến xe cũng rất khó khăn do nhiều nhà xe dừng hoạt động.