Chiều 11/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 2.990 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.985 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít.
Như vậy, đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 6 trong hơn 2 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, mức tăng giá xăng dầu ở kỳ điều hành này là mức tăng mạnh nhất của giá mặt hàng này từ trước đến nay. Hiện, giá bán lẻ các mặt hàng xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít.
Đáng chú ý, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel tăng lên 25.268 đồng/lít; dầu hỏa là 29.913 đồng/lít và dầu mazut là 20.987 đồng/kg.
Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương trích quỹ bình ổn với dầu mazut 300 đồng/kg. Trong khi đó, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn đối với xăng E5 RON 92 ở mức 750 đồng/lít, RON 95 là 1.000 đồng/lít, dầu diesel là 1.500 đồng/lít.
Từ đầu năm đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục chi mạnh quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Hiện nay số dư quỹ này đang ở mức thấp, hiện chỉ còn khoảng 620 tỷ đồng.
Tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn, số dư quỹ này đang ở mức âm như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nặng nhất với 827,19 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 158 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kể từ đầu tháng 3, thị trường dầu thế giới liên tục biến động mạnh. Tính riêng trong tuần này, có thời điểm giá dầu Brent gần chạm mức kỷ lục 140 USD/thùng, ghi nhận mức đỉnh trong vòng 14 năm qua.
Những lo ngại về bất ổn từ nguồn cung dầu của Nga đang là yếu tố chính đẩy giá lên cao.
Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu của quốc gia này lên tới gần 7 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nguồn cung thế giới.
Thêm nữa, việc Mỹ thông báo cấm nhập khẩu dầu từ Nga, và các thành viên Liên minh châu Âu EU tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của nước này có thể khiến Nga giảm lượng xuất khẩu cũng như sản lượng hàng tháng.
Trong khi đó, tại cuộc họp chính sách ngày 2/3, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh OPEC+ vẫn duy trì mức tăng sản lượng hàng tháng ở mức “nhỏ giọt” 400.000 thùng/ngày. Đây hoàn toàn không phải số lượng có thể bù đắp cho nguồn cung từ Nga, buộc các nước tiêu thụ năng lượng nhiều như Mỹ phải tìm cách tự can thiệp.
Bên cạnh 60 triệu thùng dầu mà các thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cam kết sẽ giải phóng từ các kho dự trữ, nhóm cho biết sẽ lên kế hoạch để giải phóng thêm dầu ra thị trường trong thời gian tới.
MXV cho biết, trong tuần sau, IEA cũng sẽ công bố kế hoạch để cắt giảm lượng dầu tiêu thụ. Nước Mỹ cũng đang thúc đẩy các cuộc đàm phán với Iran và Venezuela để mở đường cho 2 quốc gia này xuất khẩu dầu trở lại.
Tuy vậy, theo đánh giá của giới phân tích, lượng dầu này cũng không thể thay thế hoàn toàn cho dầu của Nga.
Bất chấp một loạt các biện pháp “giải cứu” như trên, hiện giá dầu thế giới vẫn đang duy trì trên mức 100 USD/thùng.
Theo đánh giá của ngân hàng Commonwealth Bank, trong ngắn hạn thị trường sẽ khó có thể tìm kiếm được giải pháp nào để thay thế được dầu từ Nga. Ngân hàng này dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 110 USD/thùng trong quý II và quý III năm nay, nhưng cho biết vẫn có khả năng giá đạt mốc 150 USD/thùng.
Trước đó, ngày 10/3, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các bộ và chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã quyết định đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.
Nếu nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thì giá xăng từ ngày 1/4 sẽ được giảm 2.200 đồng/lít (gồm VAT) và giá dầu cũng sẽ được điều chỉnh 1.100 đồng/lít.
Hương Anh