Giấc mơ của nữ nghệ sỹ Guitar Hawaii Việt Nam

Giấc mơ của nữ nghệ sỹ Guitar Hawaii Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Có lẽ ngay từ lần đầu tiên vô tình nghe được những âm thanh mê hồn của tiếng đàn guitar Hawaii, nhà giáo, nghệ sĩ Bùi Bạch Liên cũng không ngờ rằng cả đời mình sẽ gắn bó với loại nhạc cụ được ít người biết đến ấy.

Cây đàn song hành với cuộc đời

Tôi tìm đến ngôi nhà số 3, ngõ 2, Phố Phan Văn Trường (Hà Nội) để gặp kỳ nữ tay ngang Bùi Bạch Liên. Bà sống tại ngôi số 125 đường Giải Phóng nhưng đại bản doanh của Câu lạc bộ guitar Hawaii Hà Nội lại đặt tại đây. Những người yêu và mê tiếng đàn guitar Hawaii luôn dành cho nghệ sĩ Bạch Liên những tình cảm đặc biệt.

Từ khi nghỉ hưu năm 1997, Bạch Liên đã dồn hết thời gian và tâm sức của mình cho cây đàn guitar Hawaii. Quãng thời gian hơn hai thập kỷ chỉ là sự tiếp nối niềm đam mê âm nhạc từ những ngày bà mới ở tuổi đôi mươi rực rỡ.

Xã hội - Giấc mơ của nữ nghệ sỹ Guitar Hawaii Việt Nam

Nghệ sĩ Bạch Liên cùng Câu lạc bộ guitar Hawaii Hà Nội

Năm 20 tuổi, khi đã là giáo viên của trường trung học nghề, Bạch Liên giấu bố mẹ tham gia lớp học guitar Hawaii của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc, bà được thầy quý mến và cho theo biểu diễn trong những ngày lễ kỷ niệm. Để rồi hơn 30 năm gắn với bảng đen phấn trắng, chưa khi nào bà bỏ quên niềm đam mê với cây đàn này. Những lúc rảnh rỗi, bà lại đem đàn ra tập luyện. Khán giả của bà lúc này không ai khác là chồng và con.

Nhà báo, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Cao Sơn luôn bên cạnh chia sẻ, động viên và thông cảm với niềm đam mê của vợ. Cây đàn đã trở thành người bạn tri kỷ, là nơi gửi gắm những tâm tư vui buồn của Bạch Liên.

Những năm sau ngày giải phóng miền Nam, không quản gian khó, Bạch Liên tham gia nhiều đêm nhạc để quảng bá cây đàn guitar Hawaii đến đông đảo công chúng.

Lúc về hưu khi đã ngoài 50 tuổi, nhưng cuộc sống của bà không ngừng bận rộn. Bà hiện thực hóa niềm say mê của mình bằng việc thành lập Câu lạc bộ guitar Hawaii Hà Nội. Số tiền tích cóp được trong những năm công tác, ngay cả khoản tiền con gái gửi mẹ dưỡng bệnh, Bạch Liên cũng dồn hết vào việc mua sắm thiết bị âm thanh. Nhà văn Nguyễn Cao Sơn vừa là MC lại vừa kiêm nhà tài trợ cho câu lạc bộ của vợ. Câu lạc bộ ra đời đến nay đã được 6 năm, thu hút sự tham gia của nhiều người ở nhiều lứa tuổi. Trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Quang Hạnh, Mai Hoa, Quỳnh Hoa, Hồng Vinh, Anh Toàn, Phạm Mạnh Đạt, Hoàng Giác.

Mặc dù sức khỏe yếu hơn xưa, lại tham gia nhiều chương trình biểu diễn ở các nơi, nhưng chưa bao giờ Bạch Liên để cho tiếng đàn của mình ngừng nghỉ. Bà tâm sự: "Lúc rảnh, tôi sẽ chơi đàn nhưng không dám tập vào buổi tối. Vì đã tập là say mê không dứt ra được, có khi tập suốt đêm cũng không ngủ. Dễ hiểu vì sao tiếng đàn của bà đã chinh phục được người nghe trong nước và thu hút sự quan tâm của khán giả nước ngoài đến thế.

Đưa tiếng đàn vang xa

Đàn guitar Hawaii đã có lịch sử ra đời từ lâu, đặc biệt phát triển rực rỡ vào những năm 30 của thế kỷ XX. Tuy du nhập vào Việt Nam cũng nhiều năm nhưng rất ít người chơi và biết đến loại nhạc cụ này. Hầu hết những người chơi guitar Hawaii hiện nay ở Việt Nam đều ở vào lứa tuổi hơn 70, còn thế hệ trẻ thì rất ít. Bạch Liên bảo bà biết đến và theo học loại đàn này là do may mắn được các nhạc sĩ đi trước truyền dạy. Thế hệ sau lại không có điều kiện theo học vì trong các trường dạy nhạc không có bộ môn này.

Xã hội - Giấc mơ của nữ nghệ sỹ Guitar Hawaii Việt Nam (Hình 2).

Bạch Liên cùng nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt

Bà tâm sự: "Mười người nghe guitar Hawaii thì có đến chín người sẽ yêu thích, đã nghe là say lắm, mê lắm!". Bà bảo rằng cuộc sống đâu chỉ có ăn, có mặc mà còn phải có thời gian thư giãn đầu óc để tâm hồn thanh thản. Vì thế mà tiếng đàn sẽ giúp cho niềm vui được nhân lên và nỗi buồn sẽ giảm đi. Bộ sưu tập đàn của bà ngày càng phong phú và đa dạng.

Bà bảo, học chơi ghita Hawaii lắm nỗi gian nan, nhưng người nào đã chơi được là sẽ không thể từ bỏ, đã học là phải kiên trì tập hàng ngày. Bà khiêm tốn rằng, mình không có năng khiếu gì đặc biệt mà là lấy cần cù bù thông minh. Hiện tại Bạch Liên có hai niềm đam mê đó là học ngoại ngữ và chơi đàn. Bà đi biểu diễn ở nhiều nơi, ra cả nước ngoài, tiếng Anh rất thông dụng nên phải học.

Bạch Liên hóm hỉnh: "Bây giờ sang nước ngoài, tôi có thể tự tìm đường đi được mà không sợ bị lạc". Những buổi biểu diễn, những chuyến lưu diễn cứ nối tiếp nhau của Bạch Liên đều có chung một mục đích là muốn khơi dậy tình yêu từ giới trẻ, phổ biến rộng rãi tiếng đàn đến công chúng".

Tháng 10 vừa rồi, Hội di sản Việt Nam có tổ chức một chương trình biểu diễn để tôn vinh tiếng đàn guitar Hawaii của nghệ sĩ Bùi Bạch Liên. Đây là niềm hạnh phúc và tự hào của một người nghệ sĩ. Là một trong những người cuối cùng gắn bó với guitar Hawaii, Bạch Liên luôn mong muốn gìn giữ và phát triển loại nhạc cụ này. Bà tự lập ra website: nhagiaobuibachlien.com, là nơi cập nhập thông tin về những hoạt động của mình, cũng là nơi trao gửi tâm tư và những trăn trở của mình đến khán giả. Trách nhiệm của người nghệ sĩ còn lưu giữ được những kỹ thuật chơi đàn của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Hoàng Vân khiến Bạch Liên luôn trăn trở với việc phổ biến tiếng đàn độc đáo đến với công chúng.

Muốn tiếng đàn guitar Hawaii được nhân rộng

Cuộc sống bận rộn nên nhiều khi người ta ít quan tâm đến đời sống tinh thần. Nhưng tâm huyết và cũng là ước mơ của Bạch Liên bao năm nay không hề thay đổi. Đó là mong muốn gây dựng lại sức sống cho một cây đàn đã một thời bị lãng quên. Học trò của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn tâm sự: "Các trường không dạy bộ môn này như guitar hay đàn bầu, nếu dạy, sẽ có nhiều người học. Tôi mong các trường đào tạo về âm nhạc sẽ quan tâm đến việc đưa cây đàn guitar Hawaii vào giảng dạy. Tôi sẵn sàng dạy người nào muốn học và hỗ trợ nếu cần giúp đỡ. Sau này già rồi mà được thấy những người trẻ chơi guitar Hawaii thì mình thấy thích và xúc động lắm".

Thanh Loan


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.