Giấc mơ đưa thơ lục bát thành di sản thế giới

Giấc mơ đưa thơ lục bát thành di sản thế giới

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Là người ấp ủ và đề xuất ý tưởng đề nghị xét công nhận thơ lục bát là quốc thi và di sản thế giới, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động tôn vinh thể thơ truyền thống này.

Thơ lục bát xứng đáng được công nhận

Thưa nhà thơ Đặng Vương Hưng! Ông chia sẻ ý tưởng ban đầu về nguyện vọng tôn vinh thơ lục bát là quốc thi và di sản thế giới?

Từ lâu tôi đã nghĩ, chúng ta đã có Ngày thơ Việt Nam được nhà nước công nhận, trở thành một lễ hội mới dịp đầu xuân, một truyền thống tôn vinh thơ ca trong đời sống hiện đại, chúng ta nên chọn tôn vinh một thể thơ đặc thù của dân tộc. Thơ lục bát là thể thơ thuần Việt và đã đồng hành với dân tộc ta trong lịch sử, trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa giàu bản sắc. Đến nay với thể loại thơ lục bát, đã có rất nhiều thành tựu lớn trong nền văn học nước nhà, cũng như thể loại này vẫn không ngừng phát triển và được ưa chuộng. Tôi nghĩ, nó rất xứng đáng được tôn vinh, công nhận.

Tiêu điểm - Giấc mơ đưa thơ lục bát thành di sản thế giới

Ký ủng hộ nguyện vọng tôn vinh thơ lục bát là quốc thi và di sản thế giới.

Nhưng thực tế, chúng ta vẫn không ngừng yêu mến và ca ngợi thơ lục bát?

Chúng ta vẫn luôn tự hào về thơ lục bát với kho tàng ca dao, dân ca, với những tác phẩm làm rạng danh thể loại này như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ lục bát của Nguyễn Bính, Nguyễn Duy và rất nhiều tác giả khác từ xưa đến nay. Nhưng nay rất cần quyết định có tính hành chính của nhà nước.

Trong một chương trình truyền hình có phỏng vấn tôi và nhà phê bình TS Chu Văn Sơn. Anh Sơn đã khẳng định, thơ lục bát không chỉ là di sản mà còn là tài sản. Vì nó không chỉ thuộc về ngày hôm qua, nó vẫn liên tục phát triển, sinh sôi một cách kỳ diệu. Anh Sơn còn cho rằng, trong bộ logo văn hóa của Việt Nam sử dụng nhân các hoạt động văn hóa, đối nội, đối ngoại, chúng ta còn thiếu logo thơ, nên chọn thơ lục bát để nghiên cứu việc thiết kế logo cho thơ Việt.

Ấp ủ từ lâu, trong cuộc tổng kết, trao giải cuộc thi thơ Ngàn năm hồn Việt trước đây, trước nhiều cơ quan tổ chức và báo chí, tôi đã đưa ra đề xuất tôn vinh thơ lục bát. Việc tôi sáng lập website lucbat.com 4 năm trước và cùng các cộng sự vận hành, duy trì website ngày càng phát triển, lan tỏa cũng nhằm mục đích tôn vinh và khích lệ phong trào sáng tác thơ lục bát.

Hành trình còn lắm gian nan

Đề xuất ý tưởng, nhưng việc thực hiện sẽ không hề đơn giản và nhanh chóng. Ông có phác thảo gì cho tiến trình hướng tới sự vinh danh này?

Tôi chỉ là người đề xuất, cũng như website lucbat.com chỉ là một diễn đàn xã hội để mọi người chia sẻ sáng tác cũng như những ý kiến rộng rãi xung quanh việc tôn vinh thơ lục bát. Nếu ý tưởng này được các cơ quan nhà nước đồng thuận, ủng hộ thì vai trò thuộc về Bộ VHTT&DL và sự phối hợp của các tổ chức, cơ quan nghiên cứu như Hội nhà văn Việt Nam, Hội di sản văn hóa Việt Nam và các viện chuyên môn.

Việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận thơ lục bát là quốc thi hay di sản thế giới, đương nhiên đều phải có lộ trình và tuân thủ các quy định của pháp luật, yêu cầu của UNESCO với những chứng minh bằng khoa học về lịch sử phát triển, sự độc đáo, những giá trị đặc sắc của thơ lục bát.

Tôi cũng cho rằng, nếu được thực hiện, thì không nhất thiết phải đợi thơ lục bát được công nhận là quốc thi thì mới xây dựng hồ sơ đề nghị xét danh hiệu di sản thế giới. Nhiều người nói với tôi, thơ lục bát mà, chắc không thể toại nguyện ngay đâu, chắc phải 6 năm trở đi mới thấy được những thành quả gì đó!

Tiêu điểm - Giấc mơ đưa thơ lục bát thành di sản thế giới (Hình 2).

Nhà thơ Đặng Vương Hưng.

Những ý tưởng của ông, thời gian qua đã nhận được phản hồi như thế nào?

Trên lucbat.com, đã có đông đảo những ý kiến tán thành của những người yêu thơ, làm thơ lục bát ở khắp mọi miền tổ quốc. Các hoạt động do lucbat.com phối hợp tổ chức mấy năm qua nhằm tôn vinh thơ lục bát, giao lưu giữa các tác giả luôn được hưởng ứng rộng rãi. Lễ hội thơ lục bát vào ngày 6/8 âm lịch hàng năm đang có xu hướng trở thành một lễ hội mới tôn vinh truyền thống, tôn vinh di sản dân tộc trong đời sống hiện đại. Chúng tôi tin rằng sẽ duy trì được liên tục và lâu dài lễ hội này.

Cuộc thi thơ lục bát Tổ quốc và đạo pháp với sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vừa phát động đã nhận được rất nhiều tác phẩm tham dự. Giữa tháng 10, BTC cuộc thi sẽ cho đăng tải dần các tác phẩm chọn lọc.

Chúng tôi cũng đón nhận những ý kiến trái chiều. Nhưng hầu như không có sự phủ nhận, phản đối mà là những ý kiến phản biện, góp ý để hoàn thiện thêm ý tưởng tôn vinh trên tinh thần đồng thuận, ủng hộ. Đó là điều đáng mừng, cho thấy những hoạt động tôn vinh thơ lục bát, hoạt động của lucbat.com đã có ảnh hưởng và sức lan tỏa trong xã hội. Để tôn vinh thơ lục bát của dân tộc, sự hưởng ứng của cộng đồng là rất quan trọng!

Thời gian tới, ông và các cộng sự sẽ có những hoạt động gì để tiếp tục đẩy mạnh sự hưởng ứng này cũng như nâng cao chất lượng của phong trào sáng tác thơ lục bát?

Cùng với việc cải tiến website lucbat.com và tiếp tục in, phát hành ấn phẩm thơ lục bát Lộc Phát Nhâm Thìn 2012, trong Lễ hội lục bát 2012 vừa qua, việc thành lập CLB văn hóa tâm linh cũng chính là để hỗ trợ cho cuộc thi thơ lục bát Tổ quốc và đạo pháp vì cuộc thi sẽ kéo dài tới 6 năm, cần được sự ủng hộ, hỗ trợ rộng rãi của nhiều ban ngành, tổ chức và cá nhân trong xã hội.

Lễ hội thơ lục bát mấy năm qua tổ chức tại Hà Nội, thu hút đông đảo tác giả và công chúng tham dự. Nhưng chắc chắn không thể đáp ứng hết nhu cầu góp mặt từ các địa phương. Từ năm 2013, chúng tôi sẽ khuyến khích và hướng dẫn tổ chức lễ hội ở nhiều nơi. Chúng tôi sẽ đề xuất với các Hội VHNT các tỉnh thành, vào ngày thơ hàng năm, tạo điều kiện cho các CLB thơ lục bát trên địa bàn tham gia, dựng lục bát quán.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng bày tỏ: "Chúng tôi cũng nghĩ đến việc đề xuất với ngành văn hóa các địa phương có sự hỗ trợ đối với phong trào sáng tác thơ lục bát, như tạo điều kiện cho các CLB thơ lục bát sinh hoạt ở trung tâm văn hóa trên địa bàn tỉnh, thành. Những dự kiến này đều nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong các nhóm, CLB thơ lục bát ở các địa phương, phát triển phong trào sáng tác thơ lục bát với những hoạt động lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật, tranh thủ sự ủng hộ của các ban ngành, tổ chức xã hội, hướng tới việc tôn tinh xứng đáng vị trí của thơ lục bát trong nền văn hóa, văn học của dân tộc.

Xin cảm ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng!

Trước khi được biết đến với tư cách là một trong những người đi đầu thực hiện dự án đưa thơ lục bát thành di sản thế giới, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã nổi tiếng trên văn đàn với việc sưu tầm và giới thiệu hai cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20 và Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Nhờ những hiệu ứng tích cực sau khi hai cuốn nhật ký này đến tay bạn đọc, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã vinh dự được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng bằng khen năm 2005.

Dương Xuân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.