Báo New York Times cho biết Nhà Trắng đang bàn về cách cấp thị thực mới. Những người nhập cư trái phép nếu vượt qua các kỳ kiểm tra do Chính phủ Mỹ quy định như sát hạch lý lịch, sức khỏe và nộp phí gia hạn thị thực đầy đủ trong suốt tám năm sẽ được xem xét để công nhận công dân chính thức của Mỹ.
Reuters đưa tin dự thảo luật về người nhập cư của Tổng thống Obama đang nhận được ủng hộ của nhiều nghị sĩ ở lưỡng đảng - sự đồng thuận hiếm hoi trong chính trường Mỹ. Dự luật này cũng mang đến “giấc mơ Mỹ” cho 11 triệu người đang sống trong những điều kiện khó khăn nhằm tránh lệnh trục xuất vì nhập cư trái phép.
Giới phân tích nhận định dự luật mới nhận được ủng hộ rộng rãi vì Mỹ ý thức được vai trò đóng góp của người nhập cư trong phát triển kinh tế. Reuters dẫn lời ông Raul Hinojosa-Ojeda, chuyên gia nghiên cứu về chính sách nhập cư của ĐH California, nhận định: “Việc hợp pháp hóa người nhập cư trái phép thành công dân của mình sẽ giúp Mỹ thu về 1.500 tỉ USD trong vòng 10 năm và giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng 0,8% mỗi năm”. Theo thông tin chưa chính thức, 40% các nhà khoa học tại Mỹ là người nhập cư.
Cơ quan Nhập cư và quốc tịch Mỹ tại TP New York. Chính phủ Mỹ bắt đầu cho phép những người trẻ tuổi từng nhập cư bất hợp pháp có cơ hội xin được giấy phép lao động tạm thời từ tháng 8-2012 vừa qua, sau khi ông Obama ngưng trục xuất...
Luật mới này có tên LPI (Người nhập cư có triển vọng được hợp pháp hóa) đang khiến “giấc mơ Mỹ” gần hơn bao giờ hết. Để hạn chế nhập cư ồ ạt, gây mất an ninh xã hội, LPI quy định những người nhập cư từng lãnh án hình sự tại nước ngoài, hoặc bị phạt tù về tội hình sự từ một năm trở lên tại Mỹ bị loại khỏi danh sách đối tượng được công nhận.
Luật LPI nếu được thông qua cũng giúp Mỹ đón nhận lượng chất xám đổ về từ mọi nơi trên thế giới. Reuters cho biết tỉ lệ những người nhập cư làm thành viên chủ chốt trong các tập đoàn lớn của Mỹ như eBay, Intel, Microsoft, Google... đang tăng lên từng ngày. Chính họ là nguồn nhân lực quan trọng giúp Mỹ cạnh tranh phát triển về khoa học công nghệ trong thời đại bị các cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ “đuổi theo” khốc liệt.
Dù được đón nhận với những tín hiệu tích cực, dự thảo nhập cư mới của chính quyền ông Obama cũng gặp không ít phản đối. Phản pháo đầu tiên là ông Paul Ryan của Đảng Cộng hòa - người từng được ông Mitt Romney đề cử chức phó tổng thống trong đợt tranh cử tháng 11-2012. Nói với Đài ABC, ông cho rằng Nhà Trắng cố ý cho rò rỉ chi tiết bản dự thảo này để lấy lòng dân và sự ủng hộ của các nghị sĩ từ lưỡng đảng: “Bằng cách cho rò rỉ bản dự thảo này, ông Obama đang muốn tìm kiếm lợi thế đảng phái. Hành động này rõ ràng vô tác dụng”.
Tờ USA Today lại đề cập đến nghi ngại khác, khi một bộ phận nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa lại lo ngại chính sách này của ông Obama sẽ gây ảnh hưởng đến chính sách an ninh quốc gia, đặc biệt là đường biên giới của Mỹ. Báo này đang đề cập đến khu vực biên giới chung với Mexico, nơi sắc dân Latin chiếm phần đông, điều kiện kinh tế khó khăn khiến bộ phận này tìm cách đến “thiên đường” Mỹ. Đài Fox News dẫn lời thượng nghị sĩ Rand Paul từ bang Kentucky lên tiếng: “Tôi sẽ bảo trợ dự luật này với điều kiện đường biên giới quốc gia phải được bảo đảm trước chính sách nhập cư mới”.
* Michael Tatarski (người Mỹ, đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM): “Tôi nghĩ dự luật cải cách nhập cư hướng đến những người lao động tay nghề cao là một ý kiến hay. Như bạn biết, Mỹ là một đất nước của những người nhập cư, do vậy chúng tôi chào đón những ai muốn đến và đóng góp, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ“. * Devon Galloway (nam sinh viên luật ở New York): “Tôi sẽ ủng hộ việc tăng giới hạn thị thực visa H-1B từ 65.000 lên 115.000 trong dự luật cải cách hệ thống nhập cư do thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Orrin Hatch đề xuất gần đây. Nếu chúng tôi không có những người nhập cư tài năng nhất, các công ty trong nước sẽ chuyển đi nơi khác. Có thể nói hạn chế thị thực là chống lại lịch sử của Mỹ. Đất nước tôi trở nên hùng cường bởi vì sự đóng góp mà những người nhập cư mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực toán học và khoa học”. |
Theo Tuổi trẻ