Thị trường xe điện (EV) toàn cầu được định giá 185 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng 24,5% mỗi năm để đạt 980 tỷ USD vào năm 2028.
VinFast không phải là đơn vị duy nhất nhắm đến phân khúc này và đang thúc đẩy kế hoạch bán chiếc ô tô Việt Nam đầu tiên tại thị trường Mỹ rộng lớn và đầy cạnh tranh.
Để thành công, theo tờ TIME (Anh), hãng ô tô Việt Nam cần phải đạt được một trong hai mục tiêu sau: Soán ngôi vương của hãng xe điện Tesla, hoặc thuyết phục khách hàng chuyển từ xe xăng sang xe điện. Đó là một thách thức không nhỏ: Trung Quốc chiếm khoảng một nửa thị trường xe điện toàn cầu, nhưng vẫn chưa có công ty nào của họ thử sức ở Mỹ mặc dù họ đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các nghiên cứu khả thi.
Giấc mơ Mỹ
Tuy nhiên, giới lãnh đạo của Vingroup - công ty mẹ của VinFast - đánh giá lạc quan rằng cạnh tranh tại thị trường Mỹ là một nhiệm vụ khó khăn nhưng đáng giá.
“Nếu chúng tôi có thể thành công ở đó, chúng tôi có thể đến bất cứ đâu”, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy nói với hãng tin AFP khi bà đang ở nhà máy, nơi đang hoàn thiện mẫu SUV cỡ trung VF8 với thiết kế đẹp mắt của hãng Pininfarina (Italy), hãng thiết kế xe hơi đã làm việc với Ferrari trong nhiều thập kỷ.
Đồng thời, bà bổ sung, “Chúng tôi muốn cho những ai có thể vẫn chưa hiểu đúng về Việt Nam hiểu rằng Việt Nam ngày nay hoàn toàn khác với Việt Nam trong quá khứ, hay thậm chí là Việt Nam của 10 năm trước”.
Công ty đã đầu tư rất nhiều vào “giấc mơ Mỹ” của mình. Hồi tháng 7, VinFast đã mở 6 showroom ở California, bao gồm gian hàng hàng đầu (flagship) tại một trong những trung tâm thời thượng nhất ở Santa Monica, mặc dù hiện tại hãng mới chỉ nhận đơn đặt hàng vì xe chưa có sẵn.
Hãng xe hơi Việt Nam có kế hoạch mở 30 showroom ở Mỹ vào cuối năm nay. Ngoài ra, VinFast cũng đã khởi công xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện (EV) trị giá 2 tỷ USD ở Bắc Carolina. Tổng giá trị đầu tư, bao gồm sản xuất pin và các công trình phụ trợ khác, có thể lên tới 6,5 tỷ USD.
Dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024, cơ sở này đặt mục tiêu tạo ra hơn 7.000 việc làm mới và cung cấp tới 150.000 chiếc EV cho thị trường Mỹ mỗi năm. Về phần mình, Bắc Carolina đã trải thảm đỏ, dành tặng 1,2 tỷ USD ưu đãi cho VinFast.
Đây là một sự đảo ngược vai trò thú vị trong thế giới của các chuỗi cung ứng toàn cầu mà chúng ta đã quen thuộc, nơi mà trong lịch sử, các công ty Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc chuyển sản xuất đến những nơi như Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất thấp hơn.
Lần này, một tập đoàn Việt Nam đã “lội ngược dòng” khi đầu tư hàng tỷ USD vào một cơ sở sản xuất công nghệ và thâm dụng vốn ở Mỹ.
Nhưng một trong những thách thức mà VinFast phải vượt qua là sự hoài nghi của công chúng Mỹ, theo ông Karl Brauer, một nhà phân tích có trụ sở tại Los Angeles của iSeeCars.com, một trang web so sánh xe.
“Phải mất vài thập kỷ để các nhà sản xuất ô tô hoàn toàn mới vào thị trường Mỹ mới có thể ăn sâu bám rễ vào thị trường Mỹ”, ông Brauer cho biết, đồng thời đề cập đến Hyundai và Kia, hai hãng xe hàng đầu của Hàn Quốc gặp khó khăn trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Cửa sổ cơ hội ngắn ngủi
Tuy nhiên, một khi đã trụ vững ở thị trường rộng lớn này, họ sẽ gặt hái thành công. Hiện Hyundai và Kia nằm trong số những nhà sản xuất xe hơi phổ biến nhất tại Mỹ.
Nhận thức của người Mỹ có thể là “đây là một thương hiệu tôi chưa từng nghe thấy, tôi chưa từng có kinh nghiệm nào với nó, và tôi không chắc mình có tin tưởng vào chất lượng của nó hay không”, ông Brauer giải thích thêm.
Ông Matthew Degen, biên tập viên cấp cao của Kelley Blue Book, một trang web nghiên cứu và mua sắm xe hơi, đánh giá kế hoạch chế tạo và bán những chiếc xe “made in Vietnam” của VinFast trên thị trường toàn cầu là một “tham vọng”.
“Thường mất nhiều năm để biến một chiếc ô tô từ một thiết kế trên giấy thành một thứ bạn có thể cầm nắm và lái nó trên đường”, ông Degen cho biết. Nhưng, VinFast đã phát triển 3 mẫu xe của mình chỉ trong 21 tháng.
Và mặc dù thị trường xe hơi thông thường đã bão hòa, ông Degen nhận định, có thể có một “cửa sổ cơ hội ngắn ngủi” để họ tạo dấu ấn trong lĩnh vực xe điện vẫn đang phát triển.
Còn đối với ông Brauer, ông đánh giá rằng thành công của VinFast phần lớn sẽ đến từ thế hệ GenY (hay còn gọi là Millennials, chỉ những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1996).
Họ sẽ “gặp rắc rối với những người trên 50 tuổi... nhưng người tiêu dùng trẻ tuổi ở đất nước này đang ngày càng cởi mở hơn với các phương tiện mới”, vị chuyên gia của iSeeCars.com kết luận.
Minh Đức (Theo France24, TIME, The Diplomat)