Nằm dưới chân núi, nhìn ra cánh đồng, xóm Hồng Sơn tựa thế như một lòng chảo, tách biệt so với các xóm khác trong xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Việc đầu tiên có thể nhận ra khi bước chân vào xóm núi này lại là tiếng xay đá đinh tai, nhức óc của công ty TNHH Hoàng Danh ngay trên đỉnh núi. Cả xóm làng bao phủ một lớp bụi màu trắng của bột đá.
Bà Lang Thị Ly (SN 1966), người dân địa phương cho hay, khủng khiếp nhất là công ty cho nổ mìn để phá lấy đá, những tiếng nổ chát chúa, mặt đất rung chuyển, nhà cửa rung giật như động đất.
“Sống lâu cũng bắt đầu thấy quen dần, thế nhưng cách đây vài năm thì cảm giác như trời đất nổi giận giáng xuống đầu người dân. Sau khi họ nổ mìn xong thì tường nhà chúng tôi có dấu hiệu bị nứt, đến bây giờ, 4 mặt nhà không có chỗ nào nguyên vẹn", bà Ly nói.
Chỉ vào những vết nứt to như ngón tay chạy dọc bức tường từ nền đất lên tới trần nhà, bà Ly cho biết thêm, tình trạng này đã diễn ra vài năm nay nên nó ngày càng lan rộng.
Nhà bà Ly đã từng sửa, xây mới thêm một phòng vào năm 2013, nhưng chỉ thời gian ngắn sau lại xuất hiện những vết nứt trên bức tường mới làm.
Ngoài ra, có một số lần do phía mỏ đá nổ mìn với khối lượng lớn nên xuất hiện tình trạng đá văng về phía các hộ dân sinh sống gây vỡ ngói, nguy hiểm đến tính mạng, cũng như cây trồng, vật nuôi.
“Hồi tháng 3/2013, khi mỏ nổ mìn, một hòn đá to cỡ cái ấm rơi đúng mái nhà hàng xóm bên cạnh, khiến 3 viên ngói bị vỡ. Hôm ấy, mọi người hoảng hồn nháo nhác chạy ra xem, rồi gọi cả UBND xã và đại diện công ty đến lập biên bản. Nhưng sau đó, họ đưa hòn đá đi rồi cũng không thấy động tĩnh gì”, bà Ly cho hay.
Ôm đứa cháu 3 tuổi ngồi trước nhà, bà Lang Thị Thanh (SN 1960), người dân xóm Hồng Sơn vẫn còn hoảng sợ khi nghĩ đến cảnh đá bay rào rào phía sau nhà mỗi lần nổ mìn. Nguyên nhân là vì nhà bà Thanh cách địa điểm phá đá khoảng vài trăm mét, mỗi lần công ty dùng mìn nổ là cả nhà "ăn đủ".
“Phía công ty có thông báo với chúng tôi là đúng 10h30 mỗi tuần sẽ nổ mìn. Vì vậy, cứ đến giờ đấy, tôi phải ôm cháu đi nơi khác trú, chứ ở nhà có ngày đá rơi xuống đầu khi nào không biết. Nhà tôi có mấy viên vỡ rồi mà chưa thay được, báo cho chính quyền và công ty, họ cứ ậm ừ rồi mãi chẳng thấy xuống”, bà Thanh cho hay.
Hơn nữa, chấn động của việc nổ mìn cũng khiến cho trẻ con giật mình thon thót. Nhiều gia đình phản ánh, đa phần những đứa trẻ ở đây đều có giấc ngủ không tròn. Nửa đêm, chúng giật mình thảng thốt, bật dậy khóc.
Một điều đau đầu nữa là, tiếng xay đá bất kể ngày đêm cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Theo bà Thanh, người lớn đi làm về đã mệt mỏi cũng ngủ không ngon vì tiếng ầm ầm xay đá, còn trẻ con buổi tối muốn học bài cũng không thể tập trung.
Ông Lang Đình Nhâm, Chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi của xóm Hồng Sơn, lắc đầu ngán ngẩm khi được hỏi về mỏ đá ngay trên đầu đỉnh núi. Ông bảo rằng, người dân thì bức xúc, còn doanh nghiệp chỉ khắc phục như đối phó, riêng chính quyền địa phương lại xử lý thiếu quyết liệt. Vì vậy mọi người chẳng biết làm như thế nào nữa, đành bất lực chấp nhận “sống chung với lũ”.
“Khi có kế hoạch khai thác mỏ đá, chúng tôi đã đoán được những vấn đề này rồi nên tập trung phản đối. Mỏ đá quá sát khu dân cư, kiểu gì chẳng ảnh hưởng. Thế nhưng, cơ quan chức năng vẫn bỏ ngoài tai tiến hành làm. Đến giờ xuất hiện nứt tường, vỡ ngói nên năm nào họp HĐND và UBND, chúng tôi cũng đưa ra kiến nghị nhưng chẳng thay đổi được gì”, ông Nhâm nói.
Ông Nguyễn Bá Mão, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ xác nhận việc doanh nghiệp nổ mìn khiến nhà dân bị nứt tường, vỡ ngói. “Mỗi lần xảy ra, chúng tôi đều xuống kiểm tra, lập biên bản sự việc. Chính quyền địa phương đang làm việc với doanh nghiệp để tiến hành đền bù cho người dân”, ông Mão nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.