Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh

Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh

Bùi Thị Ngân

Bùi Thị Ngân

Thứ 5, 30/11/2023 07:00

TP.Hà Tĩnh đang dần thay đổi diện mạo, các tuyến đường thoáng đẹp, thay thế hệ thống mương lớn đã giải quyết được vấn đề ngập úng bức thiết lâu nay trong nội đô.

Đau đầu tìm giải pháp

Tháng 10/2020, trận lũ lịch sử đã gây ngập lụt toàn Tp.Hà Tĩnh. Lượng mưa dày đặc, đo được lên đến gần 1400mm suốt từ ngày 17/10 đến 19/10, đã gây ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng tại những vùng thấp trũng, đơn cử ở các phường như: Hà Huy Tập, Nam Hà, Bắc Hà, Khu đô thị Sông Đà… Các tuyến đường: Hà Huy Tập, Lê Ninh, Hải Thượng Lãn Ông, Lê Duẩn, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... giao thông tê liệt vì nước lũ.

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh

Toàn cảnh ngập lụt Tp.Hà Tĩnh trong trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10/2020.

Trận lũ lịch sử nói trên đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản của nhân dân và các kết cấu hạ tầng xã hội của thành phố.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định 931/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm xử lý các bất cập về giao thông và nâng cấp hệ thống các mương thoát nước của thành phố; Đẩy nhanh xúc tiến "Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu Tp.Hà Tĩnh”, sử dụng nguồn vốn vay ADB, mục tiêu chống ngập lụt, mở rộng khả năng dự trữ và tiêu thoát nước cho Tp.Hà Tĩnh và vùng phụ cận phía Tây, Tây Nam; phát triển hệ thống đường giao thông kết nối khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 2).

Anh Phạm Văn Đức, Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Xây dựng Vĩnh Phú – đơn vị đang thi công trên trục đường Nguyễn Công Trứ cho biết, tranh thủ những ngày nắng ráo, anh em công nhân gấp rút thi công để kịp tiến độ.

Theo thống kê, toàn thành phố Hà Tĩnh có khoảng hơn 60km mương thoát nước chính và khoảng 40km các mương thoát nước nhỏ nằm trong khu dân cư. Hệ thống thoát nước này hiện chỉ bao phủ được khoảng 57% khu vực thành phố, đã được đầu tư xây dựng từ lâu, xuống cấp, bồi lắng; một số tuyến tiêu thoát nước chính qua nhiều thời kỳ đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuy nhiên chưa đồng bộ với tổng thể chung, năng lực chưa đáp ứng được hiện trạng tiêu thoát nước cho thành phố, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay.

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 3).

Hệ thống đường dây điện, cáp mạng... sẽ được hạ ngầm trong tương lai gần...

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 4).

Công nhân đang sửa chữa hệ thống nước sạch trên trục đường Nguyễn Công Trứ.

Ông Tô Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý đô thị Tp.Hà Tĩnh cho biết, thành phố có đặc điểm địa lý được bao quanh bởi các con sông, đây là lợi thế về mặt cảnh quan nhưng cũng là nhược điểm trong tiêu, thoát nước.

Mặt khác, Tp. Hà Tĩnh có địa hình mà độ cao trung bình thấp hơn thuỷ triều nên mỗi khi mưa lớn, thành phố giống như chiếc đáy, hứng một lúc 03 nguồn nước chính đổ về: Thuỷ triều, mưa và nước từ phía tây thượng nguồn Hồ Kẻ Gỗ, Hồ Khe Xai… Đây là 3 nguồn nước rất lớn, nên khi mưa kéo dài thì khả năng thoát nước trong nội đô gần như “bất lực”.

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 5).

Những ống cống thoát nước cỡ lớn được thay thế hệ thống cống nhỏ, xuống cấp lâu nay.

Chính vì vậy, đây là một bài toán khó giải. Bởi, làm sao để biến cái bất lợi thành có lợi, chống được ngập úng, tiêu thoát nước nhanh nhưng phải tối ưu được nguồn kinh phí, dựa trên hạ tầng cũ vì để triển khai đồng bộ thì nguồn kinh phí sẽ vô cùng lớn.

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 6).

Hào kỹ thuật được lắp đặt tại trục đường Nguyễn Công Trứ để hạ ngầm đường dây điện và dây viễn thông.

Sau quá trình “đau đầu” khảo sát, nghiên cứu, lãnh đạo UBND thành phố cùng các phòng, ban chuyên môn đã họp bàn rất nhiều lần, quyết phương án: Phải đóng, khoá kín phần đê bao để chống nước từ thượng nguồn đổ về; nâng cấp, sửa chữa toàn bộ hệ thống mương, kênh thoát; xây dựng các hồ điều hoà lớn trong lòng thành phố, để khi mưa lớn các hồ này sẽ trở thành hồ trữ nước tạm thời, chống ngập cho nội đô.

Theo ông Tô Thái Hoà, hệ thống mương thoát toàn thành phố được thiết kế chảy về các hồ nước điều hoà này. Tại các hồ điều hoà sẽ được lắp đặt trạm bơm. Mỗi khi mưa lớn, nước từ các mương thoát sẽ chảy về hồ điều hoà. Sau đó, được bơm để thoát ra đê. Phuơng án này đã giải được bài toán ngập lụt cho toàn thành phố tầm nhìn 20 năm.

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 7).

Lãnh đạo UBND Tp. Hà Tĩnh cùng phòng, ban chuyên môn đi kiểm tra tại các công trường đang thi công.

“Đây là giải pháp mà chúng tôi cùng các chuyên gia đầu ngành mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, nó giải quyết được vấn đề tiêu thoát lũ, lại xây dựng được cảnh quan đô thị. Riêng hệ thống mương được thiết kế tích hợp hào kỹ thuật để hạ ngầm đường điện, dây viễn thông trong tương lai, đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách”, ông Tô Thái Hoà nói.

Thi công đến đâu dân phấn khởi đến đó

Từ đầu năm đến nay, giữa lòng thành phố không khác gì những đại công trường. Trên các tuyến đường: Nguyễn Hoành Từ, Đặng Dung, Minh Khai, Vũ Quang, Quang Trung, Lê Ninh, Hải Thượng Lãn Ông, Lê Duẩn, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng… đâu đâu cũng thấy máy xúc, máy cẩu, công nhân làm việc hối hả. Những chiếc cống cỡ lớn được lắp đặt thay thế, vỉa hè được mở rộng, hệ thống cây xanh được quy hoạch…. Dù mới chỉ thi công được 2/5 khối lượng toàn dự án, nhưng đã thấy được sự thay đổi rõ rệt cảnh sắc, diện mạo thành phố.

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 8).

Hệ thống mương lớn được thay thế cùng vỉa hè được chỉnh trang, khiến trục đường Nguyễn Thị Minh Khai như được “lột xác”.

Đặc biệt, hiệu quả tiêu, thoát nước đã có kết quả rõ rệt qua 02 đợt mưa lớn vừa qua (đợt 1 từ 30/10 – 31/10 ; đợt 2 từ 12/11 – 14/11) Tp. Hà Tĩnh không còn xảy ra tình trạng ngập cục bộ kéo dài như những năm trước, nước rút nhanh, không gây thiệt hại về tài sản cũng như ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, đời sống của bà con nhân dân.

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 9).

Hệ thống cống thoát nước trên đường Nguyễn Du được thay thế, trong 02 đợt mưa lớn vừa qua, tuyến đường này không còn cảnh ngập úng.

Phấn khởi chia sẻ, ông Lê Hữu Bá, chủ cửa hàng kinh doanh đồ điện tử trên trục đường Đặng Dung cho hay: “Hai đợt mưa vừa rồi, tuyến đường Đặng Dung không còn bị ngập như những năm trước đây. Tạnh mưa cái là nước rút khô ráo ngay. Người dân chúng tôi phấn khởi lắm bởi tuyến đường này trước đây cứ mưa xuống là ngập, ảnh hưởng lớn đến kinh doanh. Chưa kể, đối với những hộ kinh doanh đồ điện tử như chúng tôi, mỗi mùa mưa luôn nơm nớp lo sợ nước ngập, tràn vào cửa hàng hư hỏng hết hàng hoá”.

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 10).

Đường Đặng Dung – nơi tập trung các cửa hàng kinh doanh dọc chợ tỉnh, có lượng người tham gia giao thông đông, nay được chỉnh trang, mở rộng vỉa hè, chỗ đỗ xe khiến trục đường này trở nên thoáng đãng, an toàn.

Anh Lê Đức Hùng, một hộ dân sinh sống trên trục đường Lê Ninh cho biết, đây là tuyến đường mà anh và những người dân ở đây vẫn hay ví von “chưa mưa đã ngập”. Thế nhưng, 2 đợt mưa lớn vừa rồi, tuyến đường Lê Ninh đã không còn tình trạng ngập như mọi năm khiến người dân vô cùng phấn khởi.

“Những năm trước đây, cứ mưa lớn tầm 3 tiếng là cả tuyến Lê Ninh này ngập băng, nước suýt soát tràn vào nhà. Mỗi lần dự báo mưa là vợ chồng tôi lại phải đi gửi xe ô tô. Nhưng năm nay, sau khi mương thoát được thi công xong thì 2 đợt mưa vừa qua không còn tình trạng ngập lụt. Nếu có, chỉ ít điểm trũng nhưng tạnh mưa tầm 30 phút là nước đã rút khô ráo, như những năm trước phải mất 3 – 4 tiếng đồng hồ”, anh Lê Đức Hùng chia sẻ.

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 11).

Tuyến đường Lê Ninh ghi nhận sau đợt mưa xảy ra từ ngày 12/11 -14/11 khô ráo sạch sẽ, không còn tình trạng ngập úng kéo dài.

Phải nghỉ bán hàng gần 2 tuần nay để cho đơn vị thi công, nhưng chị Phạm Thị Thắm, chủ quán bánh mướt ram trên trục đường Nguyễn Công Trứ lại vô cùng vui mừng. Chị cho hay, đơn vị thi công đến đâu tuyến đường này như được thay áo mới đến đó: Sạch, đẹp, chưa kể tiêu thoát nước nhanh khiến cả khu phố ai cũng phấn khởi, đếm từng ngày đơn vị thi công hoàn thành.

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 12).

Hệ thống cống lớn…

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 13).

… được triển khai nâng cấp, thay thế trên tất cả các tuyến đường chính nội thành.

Ông Nguyễn Duy Đức, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Tĩnh cho biết, xác định, giải bài toán thoát nước cho thành phố là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp do nhiều nguyên nhân: Thành phố phát triển từ thị xã nhỏ với hạ tầng yếu kém, chắp vá, chưa đồng bộ do nguồn lực khó khăn... Để giải quyết triệt để mang tầm vĩ mô, lâu dài, thành phố đã thuê các chuyên gia đầu ngành về thoát nước của Việt Nam để tư vấn lập đề án tổng thể thoát nước thành phố Hà Tĩnh. Từ đó, lãnh đạo thành phố đã giao cho các phòng ban, đơn vị địa phương triển khai các dự án có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên.

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 14).

Hệ thống ống dẫn đang được thi công để chạy ngầm đường điện, cáp viễn thông...

Dân sinh - Giải bài toán ngập úng cho Thành phố Hà Tĩnh (Hình 15).

Tuyến đường “lịch sử” Phan Đình Phùng đang dần thay áo mới.

“Thời gian qua, UBND thành phố đã huy động các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, nguồn xã hội hoá, để tập trung đầu tư hệ thống thoát nước. Mặc dù, đang triển khai dở dang, nhưng qua các đợt mưa lớn gần đây chính là phép thử cho thấy, bước đầu, triển khai hệ thống thoát nước nội thành phố đã phát huy được hiệu quả”, ông Nguyễn Duy Đức nói.

"Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu Tp.Hà Tĩnh” dự kiến có tổng mức đầu tư hơn 142 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn vay ODA của ADB là hơn 100 triệu USD (chiếm 70,61%), còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách tỉnh.

Dự án gồm 4 hợp phần chính: Xây dựng hệ thống kênh và cống thoát nước hoàn chỉnh cho Tp. Hà Tĩnh hiện hữu; mở rộng khả năng dự trữ và tiêu thoát nước cho Tp. Hà Tĩnh và vùng phụ cận phía Tây, Tây Nam; phát triển hệ thống đường giao thông kết nối khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực (sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của ADB).

Trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến nay, Tp. Hà Tĩnh đã tập trung triển khai xây dựng, cải tạo được khoảng 20km mương thoát nước tuyến chính dọc các tuyến đường; các tuyến mương thoát nước trục chính. Từ đầu năm đến nay, UBND thành phố đang triển khai cải tạo, nâng cấp hệ thống mương thoát nước với tổng chiều dài khoảng 11km.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.