Trong khuôn khổ tuần Văn hóa du lịch Bạc Liêu 2019 đang diễn ra, nhiều hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức giữa lãnh đạo các địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp.
Có khoảng 40 triệu khách du lịch đến vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 2018, tăng 17%.
Trong đó khách quốc tế có 3,4 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2017. Đây là một sự tăng trưởng khá cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.
Nhiều ý kiến đồng ý rằng, với đặc điểm về điều kiện tự nhiên khá tương đồng là sông nước miệt vườn, ruộng đồng bát ngát nên lâu nay sản phẩm du lịch của các địa phương na ná nhau.
Điều này khiến du khách chỉ cần đi một địa phương là biết được các sản phẩm du lịch của những nơi còn lại.
Chính vì vậy, để có sự đồng đều trong thu hút du lịch thì các địa phương trong vùng phải liên kết, “phân vai” cho nhau tránh trùng lắp, gây nhàm chán cho du khách.
Là trung tâm của các tỉnh, thành phía Nam nên UBND TP.HCM được đề cử để giao trọng trách "nhạc trưởng" của hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng giữa ĐBSCL và TP.HCM
Tuy nhiên, ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch hiệp hội Du lịch TP.HCM đề xuất cần đưa chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch vào chương trình liên kết.
Bởi, nhu cầu phát triển du lịch đang tăng nhanh, trong khi chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn nhiều hạn chế.
Một trong những điểm yếu lớn nhất của nhân lực lao động trong ngành du lịch hiện nay là thiếu và yếu kỹ năng nghề.
Với phương pháp đào tạo nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành ở đa số các cơ sở đào tạo hiện nay, phần lớn lao động nghề du lịch ra trường khó đáp ứng được yêu cầu công việc.
Đó là chưa kể, yếu ngoại ngữ vẫn luôn là căn bệnh trầm kha của sinh viên, lao động nghề du lịch Việt Nam nhiều năm nay.
Ngay tại các thành phố lớn, các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch có đào tạo bằng ngoại ngữ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu so sánh điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo với khách sạn 4-5 sao thì khoảng cách là rất xa vời.
Vậy nên, điều dễ hiểu là nhiều sinh viên ra trường thiếu kinh nghiệm, yếu kỹ năng, không tìm được việc làm, trong khi ngành du lịch nhiều năm qua càng tăng trưởng mạnh.
Vì thế, một xu hướng đang được ghi nhận hiệu quả là xã hội hóa đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt trong các tập đoàn chuyên kinh doanh về du lịch.
Điều này sẽ góp phần khiến chất lượng đầu ra tốt hơn, góp phần nâng cao kỹ năng, ngoại ngữ cho người làm việc trong ngành du lịch.
Đây cũng là giải pháp tốt trong thời gian hiện nay khi nhiều người ra trường chưa đủ kỹ năng cao cấp, chuyên nghiệp để phục vụ trong cơ sở.
Một mặt, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cơ sở của chính tập đoàn, công ty lớn. Đồng thời, góp phần vào cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, cho các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí khác.
Ngoài ra, vị chuyên gia còn đề xuất nâng cao chất lượng của các dịch vụ các điểm đến, tour, tuyến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, nơi mua sắm,..nhằm tạo điều kiện giữ chân khách lâu hơn.
Các tour, tuyến phải hấp dẫn và khoa học kết hợp du lịch đồng bằng, sông rạch, núi và biển đảo làm hấp dẫn cho du khách.
Định hướng về sản phẩm du lịch đồng bằng sông Cửu Long là du lịch công đồng có thể là hợp lý vì tận dụng lợi thế phong cách đồng quê sông nước, với cơ sở vật chất là nhà dân, vụ mùa, vườn cây ăn trái,…
Dự kiến, TP.HCM và các địa phương ĐBSCL sẽ ký kết chính thức thành lập Hội đồng liên kết du lịch vào giữa tháng 12/2019 tới đây tại tỉnh Bạc Liêu.