Thiệt thòi cho bệnh nhân
Bình quân mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 1.900 bệnh nhân điều trị nội trú và gần 1.000 bệnh nhân ngoại trú. Việc thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm, thậm chí cả nhiều loại thuốc điều trị nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả khiến bệnh nhân thiệt thòi “trăm đường”, còn đội ngũ y bác sĩ không tránh khỏi những trách móc, thậm chí bức xúc của người nhà bệnh nhân khi người thân của họ đang trong tình huống cấp cứu nhưng bác sĩ không thể điều trị do thiếu các xét nghiệm cơ bản.
Chị Nguyễn Thị H. (trú phường Thạch Linh, Tp.Hà Tĩnh) chưa hoàn hồn kể lại quá trình con trai chuyển viện. Con trai chị bị tai nạn giao thông vào đầu tháng 3/2023, phải nhập viện lúc nửa đêm. Do BVĐK Hà Tĩnh thiếu hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm máu, bác sĩ chỉ kịp sơ cứu rồi để con trai chị phải chờ cả đêm. Ruột gan như lửa đốt lo lắng tình trạng sức khỏe của con, gia đình chị H. đã xin khẩn trương chuyển tuyến.
“Hoảng quá, chúng tôi yêu cầu chuyển ra tuyến trên. May mắn con không bị ảnh hưởng não, chỉ bị gãy xương hàm, xương mũi. Chuyển ra Hà Nội chi phí triều trị tốn kém gấp đôi, gấp ba ở Hà Tĩnh nhưng chúng tôi đành chịu”, chị H. nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn L. (con trai bệnh nhân Nguyễn Thị Ng. ở phường Nguyễn Du, Tp.Hà Tĩnh) đang chăm sóc mẹ bị ung thư vú tại Khoa Ung bướu, BVĐK Hà Tĩnh cho biết, anh vừa phải ra ngoài làm xét nghiệm máu cho mẹ hết 150.000 đồng.
“Mẹ tôi có tham gia BHYT, đáng ra xét nghiệm này bảo hiểm chi trả nhưng do bệnh viện thiếu hóa chất xét nghiệm nên tôi phải liên hệ đơn vị bên ngoài để làm”, anh L. nói.
Một trường hợp khác là bệnh nhân T.Q.H, ở phường Bắc Hà, TP.Hà Tĩnh, điều trị nhiễm trùng do tháo phương tiện kết hợp xương tại BVĐK Hà Tĩnh hồi tháng 3/2023. Theo người nhà bệnh nhân, quá trình điều trị tại bệnh viện không chỉ em trai chị mà rất nhiều bệnh nhân phải ra ngoài mua từ kim luồn, ống dẫn lưu, chai nước muối đến thuốc men. Đây đều là những mặt hàng nằm trong danh mục BHYT chi trả.
Theo chị Tr, người nhà bệnh nhân T.Q.H, trong suốt đợt điều trị 3 tuần, em trai của chị phải bỏ ra số tiền gần 15 triệu đồng để mua một số loại thuốc, vật tư và làm xét nghiệm bên ngoài, do nguồn cung BHYT của bệnh viện thiếu. “Chỉ tính riêng tiền thuốc điều trị Vancomycin 500mg đã hết khoảng 12 triệu đồng. Tùy từng thời điểm, tôi mua với giá từ 90.000 – 135.000 đ/lọ”, chị Tr. cho biết thêm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo BVĐK tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận, tình trạng thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm, thậm chí cả thuốc điều trị trong thời gian qua không chỉ gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân tham gia BHYT. Đặc biệt là những bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, đối tượng chính sách.
Lãnh đạo BVĐK Hà Tĩnh cho rằng, nguyên nhân thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm không phải lỗi do bệnh viện mà do đấu thầu không có doanh nghiệp tham gia dự thầu. Đây là lần đầu tiên Hà Tĩnh rơi vào tình trạng này.
Các nhà thuốc được đà tăng giá
Ông Bùi Hoàng Dương, Trưởng khoa dược (BVĐK Hà Tĩnh) cho hay, bệnh viện không chỉ thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm mà ngay một số loại thuốc điều trị cũng không có để điều trị cho bệnh nhân.
“Rất nhiều thời điểm, thậm chí hiện tại, các vật tư y tế như Sonde Foley 2 nhánh, Canyn ngáng lưỡi, nội khí quản, vòng thắt tĩnh mạch thực quản, túi đựng máu, Acid Citric hay thuốc Solu Medrol… trong kho bệnh viện đang thiếu. Để điều trị, các bác sĩ phải kê đơn cho người nhà bệnh nhân ra mua ngoài nếu bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đồng ý hoặc chuyển viện cho bệnh nhân. Đáng nói, phần lớn các loại vật tư và thuốc nêu trên bệnh nhân có thể mua ở bất kỳ quầy thuốc lớn trên địa bàn Tp.Hà Tĩnh”, ông Dương chia sẻ.
Theo ghi nhận, cùng một loại thuốc Vancomycin 500mg, cùng một nhà sản xuất, mua cùng thời điểm nhưng có quầy thuốc bán giá 85.000 đồng/lọ, có quầy 90.000 đồng/lọ, thậm chí có quầy bán 135.000 đồng/lọ.
Một loại thuốc khác là Solu Medrol 40mg, tại Nhà thuốc BVĐK Hà Tĩnh bán với giá 45.000 đồng/lọ nhưng Nhà thuốc Long Châu bán với giá 65.000 đồng/lọ; một số quầy thuốc khác bán trên dưới 90.000 đồng/lọ. Còn BHYT chi trả khi điều trị tại bệnh viện thường ở mức trên dưới 44.000 đồng/lọ.
Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh trong bối cảnh các gói thầu về hóa chất, sinh phẩm không có đơn vị dự thầu, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện mua sắm các gói nhỏ (dưới 100 triệu đồng) theo hình thức cấp bách phục vụ điều trị. Tuy nhiên, để thực hiện được 1 gói thầu này phải làm hồ sơ, thủ tục mất khoảng 1 tháng/gói. Trong khi nhu cầu của bệnh viện 1 tháng cần khoảng 2 tỷ đồng vật tư, hóa chất, sinh phẩm… Vì vậy phương án mua sắm của bệnh viện chỉ đáp ứng các loại vật tư, hóa chất tối thiểu đặc biệt cho nhu cầu cấp cứu, không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.
Trước tình hình “cấp bách”, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã kêu gọi nhiều mạnh thường quân ủng hộ. Đây được xem là giải pháp tạm thời, ngắn hạn để giải quyết bài toán thiếu hụt thiếu vật tư, hóa chất sinh phẩm cứu chữa cho bệnh nhân.
"Để phục vụ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân chúng tôi chỉ còn cách kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ. 9 tháng nay, bệnh viện đã kêu gọi được các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ với giá trị quy ra tiền là hơn 7 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 7 tỷ đồng", Trưởng khoa dược Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh chia sẻ.
(Còn nữa)
Bài 2: "Cú sốc" đấu thầu khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia?