Giải cứu “con tin” trong ngôi biệt thự của ba “người trời”

Giải cứu “con tin” trong ngôi biệt thự của ba “người trời”

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Theo dư luận, trước khi ra quyết định "nội bất xuất, ngoại bất nhập", vợ chồng Đạt Trâm từng thể hiện sự mê tín của mình trong sinh hoạt, giao tiếp. Họ báng bổ việc thờ cúng, tín ngưỡng, theo văn hóa tâm linh truyền thống mà tự xưng là người của "đấng bề trên" được phái xuống "cõi nhân gian" giúp người, "cứu nhân, độ thế".

Cách đây vài năm, dư luận huyện Bến Lức và các huyện khác của tỉnh Long An, cũng như hai tỉnh thành lân cận như Tiền Giang, TP.HCM không ngớt xôn xao bàn tán về một câu chuyện ly kỳ. Câu chuyện đó diễn ra trong ngôi biệt thự kín cổng, cao tường tọa lạc tại ấp Phước Tú (xã Thanh Phú, Bến Lức, Long An). Nhiều người đặt câu hỏi, việc gì đang diễn ra trong ngôi biệt thự đó khiến Công an tỉnh Long An phải vào cuộc, giám sát cả ngày lẫn đêm?

Bí mật chỉ được vén màn khi lực lượng công an lên kế hoạch đột nhập vào bên trong ngôi biệt thự. Đến nay, người ta vẫn bàn tán về kịch bản đột nhập diễn ra giống như một cuốn phim hành động nghẹt thở từng phút, từng giây.

Pháp luật - Giải cứu “con tin” trong ngôi biệt thự của ba “người trời”

Cửa ngôi biệt thự "ma", nơi công an đột nhập

Ngôi biệt thự "ma ám"

Nhìn bên ngoài, ngôi biệt thự tọa lạc tại ấp Phước Tú vẫn bình thường như bao ngôi nhà khác trong vùng. Theo ước tính, khu biệt thự này phải trên dưới 1.500m2. Được biết, chủ nhân của ngôi nhà này là vợ chồng Đoàn Quang Đạt và Huỳnh Mai Trâm. Vợ chồng này có hai con, một trai tên Đoàn Minh Nhựt (bảy tuổi) và một gái tên Đoàn Ngọc Minh Anh (ba tuổi).

Đạt là con trai của một doanh nhân, có công ty chuyên san lấp mặt bằng nổi tiếng ở TP.HCM và các tỉnh các tỉnh miền Tây. Còn Mai Trâm cũng là con gái của một gia đình danh giá. Cuộc hôn nhân của họ được người trong giới kinh doanh và hai gia tộc đánh giá rất "môn đăng hộ đối". Sau cuộc hôn nhân mơ ước, gia đình riêng của họ cũng rất hạnh phúc.

Tuy nhiên do làm ăn thất bát, gần đây vợ chồng Đạt, Trâm và hai đứa con về ở trong ngôi biệt thự nói trên. Họ sống khép kín, ít tiếp xúc với người ngoài và cả hai bên gia đình. Cùng ở trong ngôi biệt thự này với vợ chồng Đạt có một người đàn ông khác tên Nguyễn Chí Tôn. Tôn trước đây làm trợ lý cho Đạt. Họ luôn tỏ ra rất "tâm đầu, ý hợp". Tôn là em bà con với chị Trâm và cũng về "quy ẩn" trong ngôi biệt thự này với vợ chồng Đạt.

Những tưởng cuộc sống của hai vợ chồng và người em bà con sẽ diễn ra thầm lặng, thanh tĩnh trong ngôi biệt thự kín cổng cao tường nọ. Không ngờ tới một ngày, những câu chuyện phức tạp, căng thẳng đã làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự địa phương.

Chuyện xảy ra bắt đầu từ khi cháu Quang Nhựt bỏ học (cháu Nhựt học lớp 2, Trường tiểu học Mai Thị Non, thị trấn Bến Lức). Cha mẹ Trâm thấy vậy tức tốc thuyết phục họ cho hai cháu Quang Nhựt, Minh Anh về ở với ông bà ngoại. Tuy nhiên, vợ chồng Đạt kiên quyết không đồng ý. Trái lại, họ còn tìm mọi cách không cho hai cháu bé nghĩ tới chuyện đi học nữa.

Trước đó một năm, cô giáo dạy cháu Nhựt tình cờ phát hiện ra cháu có những vết tím bầm khắp thân thể. Khi được hỏi, cháu Nhựt chỉ khóc, không nói rõ. Tìm hiểu thông tin về gia đình cháu Nhựt, cô giáo mới biết vợ chồng Đạt có biểu hiện mê tín dị đoan, và chính vợ chồng họ đã "chữa bệnh" cảm cho con mình bằng cách "hành xác". Họ cho tắm nước lạnh rồi cùng nhau đánh lên người cháu Nhựt nói là để cho "oan hồn" hãm hại con mình thoát ra ngoài.

Trước đó, chính cha mẹ Trâm đã nhận thấy những điều không bình thường này nơi con ruột và con rể nên rất lo lắng cho hai đứa cháu. Họ đã từng thuyết phục và đưa được Trâm tới Bệnh viện Đa khoa Long An, khoa tâm thần để chữa bệnh. Sau gần một tháng điều trị, chị Trâm khá hơn nên bệnh viện cho về tĩnh dưỡng, điều trị tiếp. Nhưng sau đó ít lâu, Trâm lại quay trở về sống với Đạt trong ngôi biệt thự nói trên.

Còn với Đạt, hắn cương quyết không chịu đi chữa bệnh vì cho rằng mình là người hoàn toàn mạnh khỏe. Trầm trọng đến mức, cha Đạt phải làm đơn nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Ông mong chính quyền tìm cách đưa con trai đi chữa bệnh kể cả biện pháp khống chế, cưỡng bức. Họ lo lắng, Đạt sẽ làm những chuyện dại dột. Tuy nhiên với sự cố thủ của ba người lớn, khống chế hai cháu bé trong ngôi biệt thự kín cổng cao tường khiến kế hoạch của ông bố này không thành công.

Cầm dao truy sát công an

Khi thấy chúng tôi tìm cách tiếp cận với ngôi biệt thự thì một người ở gần đó khuyên can: “Mấy chú chỉ đứng ngoài xa mà quan sát thôi, không nên đột nhập vào trong nhà. Vợ chồng Đạt ở bên trong với người em bà con bên vợ đã "cố thủ". Chúng luôn thủ sẵn vũ khí để chống trả, chỉ tội nghiệp cho hai đứa nhỏ”.

Nghe đến đây, chúng tôi khựng lại, chỉ dám đứng từ xa nhìn vào. Tìm hiểu thêm thông tin từ phía chính quyền và người dân xung quanh, chúng tôi được biết, tuy không cho phép ai vào nhưng việc ăn uống, sinh hoạt bên trong ngôi nhà vẫn bình thường. Vợ chồng Đạt Trâm đều sử dụng điện thoại di động. Thường thì cần đồ ăn hay bất cứ thứ gì, họ gọi điện ra ngoài cho người quen mang tới cổng. Khi người mang đồ tới, Trâm quan sát từ trong, nếu không thấy ai theo dõi thì mới cảnh giác đi ra. Nếu nghi ngờ có người đeo bám thì tuyệt đối không ló mặt.

Cuối cùng rồi chúng tôi cũng có trong tay số điện thoại di động của cả Đạt và Trâm. Tuy nhiên, làm đủ mọi cách vẫn không tài nào liên lạc được. Sau mấy tiếng kiên trì gọi điện, cuối cùng đầu dây bên kia cũng có người nghe máy. Khi chúng tôi xưng danh nhà báo, liên lạc để tìm cách giúp đỡ vợ chồng và hai cháu bé thì Đạt gạt phăng: "Chúng tôi không cần ai giúp đỡ cả. Hãy để chúng tôi yên". Còn Trâm lớn giọng quát: "Chúng tôi muốn ở yên trong này. Mọi người đừng tìm cách đe dọa, vô ích thôi. Hai đứa trẻ không cần đi học. Đến cái chết chúng tôi không màng đến thì chuyện học hành của hai đứa bé ăn nhằm gì".

Thật ra người nhà của hai vợ chồng Đạt cũng cố tìm cách liên lạc qua điện thoại. Tuy nhiên, cũng có khi họ nghe máy nhưng nói vắn tắt rồi cúp. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương được yêu cầu của gia đình tìm phương án tiếp cận để thuyết phục vợ chồng người này.

Được biết, trước hôm chúng tôi có mặt khoảng một tuần, người nhà vợ chồng Đạt tới đập cửa. Một lúc sau Trâm ra mở cổng. Theo phương án vạch sẵn, khoảng mười chiến sĩ công an mặc sắc phục tiến nhanh vào trong. Công an thuyết phục Đạt về huyện làm việc nhưng hắn không chịu. Nước cuối cùng, mấy chiến sĩ tiến lại khống chế người đàn ông này thì bất ngờ Nguyễn Chí Tôn cầm dao xông tới giải vây. Khi công an vừa buông tay, Đạt lập tức cầm dao rượt mọi người đòi giết, khiến một chiến sĩ phải bắn đạn cay tự vệ.

Cũng từ lần đó, bất cứ ai gọi cửa họ đều không mở. Bố đẻ Trâm nhiều lần tìm cách giúp đưa hai vợ chồng Đạt và hai cháu bé ra ngoài chữa bệnh nhưng đều bất lực. Còn cha của anh Đạt cũng đã vài lần tìm đến công ty vệ sĩ nhờ giúp đỡ nhưng các vệ sĩ cũng bó tay.

Đau đầu nghĩ phương án tiếp cận ngôi biệt thự "ma"

Mọi phương án đột nhập ngôi biệt thự với kế hoạch thuyết phục hoặc khống chế vợ chồng Đạt được đặt ra. Nếu họ bị bệnh thật sự thì đưa đi điều trị, còn nếu họ vẫn sáng suốt bình thường thì việc vợ chồng Đạt nhốt hai cháu bé, đánh đập cháu Quang Nhựt tím bầm thân thể, cho dù gọi là "chữa bệnh" cũng phải được xem xét về mặt hình sự. Ngoài ra, theo chính quyền xã, việc Đạt không chấp hành luật pháp cũng cần phải lưu ý vì người này xây ngôi biệt thự trên đất nông nghiệp chưa được chuyển mục đích sử dụng. Hơn nữa, nhà xây không giấy phép, không hộ khẩu, không đăng ký tạm trú, tạm vắng. Chính quyền đã nhiều lần mời lên làm việc nhưng Đạt không chấp hành

Hồ An


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.