Dưa hấu biến thành “cỏ”
Người nông dân Quảng Ngãi vốn đã khốn khổ, bán mặt cho đất bán lưng cho trời để kiếm từng cắc bạc lẻ. Cả năm cặm cụi vun trồng và trông chờ vào một vụ dưa hấu nhưng đến lúc thu hoạch, họ rớt nước mắt lặng nhìn dưa hấu không bán được, rớt giá thảm hại, bất lực nhìn dưa trở thành “cỏ” cho trâu, bò ăn.
Mỗi khi mùa dưa đến, người ta thường ví người dân Quảng Ngãi đang “chơi canh bạc với ông trời” và năm nào cũng thua trắng tay. Năm nay “lịch sử lặp lại” khi mà dưa hấu có thời điểm giá chỉ còn 1.500 đồng/kg, người nông dân điêu đứng vì hàng chục ngàn tấn dưa hấu ế ẩm, bị ép giá kịch sàn...
Theo tìm hiểu của phóng viên, huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh của tỉnh Quảng Ngãi đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch dưa hấu lớn nhất trong năm với sản lượng ước đạt 4.000 tấn. Dưa hấu dù đạt chất lượng, năng suất tốt nhưng lại không tìm được nơi tiêu thụ.
Một số nông dân không chấp nhận thua lỗ nên mạo hiểm thuê xe để chở ra miền Bắc tiêu thụ nhưng vẫn không được. Để giúp đỡ nông dân, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã huy động đoàn viên, thanh niên, hỗ trợ bà con tiêu thụ khoảng 300 tấn dưa hấu. Tuy nhiên, thị trường tại Quảng Ngãi hiện đã bão hòa, không đủ sức "giải cứu" hết 4.000 tấn dưa hấu cho bà con.
Khi người nông dân phải cắn răng chịu đựng nhìn dưa hấu bị bỏ đi đã nổi lên làn sóng nghĩa hiệp mua bán hộ cho nông dân. Những câu lạc bộ thiện nguyện trên khắp cả nước đã đưa ra chiến dịch “giải cứu dưa hấu”. Tại Hà Nội, trung tuần tháng Tư, một chuyến xe dưa 20 tấn đã cập bến và chỉ trong vòng buổi sáng số dưa này đã được bà con mua hết. Còn trên khắp các tỉnh thành, khẩu hiệu “một trái dưa một tấm lòng” đã được lan tỏa đến đông đảo người dân.
Chị Lê Thị Ngọc Chanh (ban Ngoại giao, CLB Tương lai xanh Quảng Nam) cho biết: “Trước tình hình thực tế dưa hấu của bà con Quảng Ngãi tồn đọng rất nhiều, khoảng 50 tấn/hộ dân nên chúng tôi đã đưa ra chiến dịch kêu gọi mọi người giúp đỡ bà con. Vì là theo mùa vụ nên theo tôi thấy, hoạt động này không thể duy trì thường xuyên được”.
Cũng theo lời của chị Ngọc Chanh: “Đối với người làm thiện nguyện như chúng tôi chỉ nhìn thấy được nỗi khổ sở của bà con ở thời điểm trước mắt, vì thế mới có những hành động thiết thực mua giúp bà con. Còn nếu không muốn xảy ra hiện trạng này, một lần nữa cần phụ thuộc vào chính sách của cơ quan lãnh đạo ở cấp cao hơn”.
Giống như CLB Tương lai xanh, chiến dịch “giải cứu dưa hấu” của sinh viên trường đại học Tôn Đức Thắng đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các thầy cô và sinh viên toàn trường đến mua dưa hấu ủng hộ. Những sinh viên trường đại học Tôn Đức Thắng hy vọng, sẽ giúp đỡ phần nào cho bà con nông dân trồng dưa hấu và mong bà con sớm vượt khó khăn.
Là người mua dưa hấu ở Hà Nội, cô Nguyễn Hoàng Khánh Linh cho hay, việc mua dưa hấu ủng hộ người dân trồng dưa hấu là một điều cần thiết, tuy nhiên không phải lúc nào người dân cũng có thể mua cho bà con như vậy được bởi số lượng dưa tồn đọng là quá lớn.
“Giải cứu” dưa hấu chỉ là biện pháp nhất thời?
Dù người nông dân được các “hiệp sĩ” ra tay giúp đỡ nhưng năm nào dưa hấu cũng rớt giá, vậy liệu phương án này có còn khả thi nữa hay không?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Như Hải - Trưởng phòng Cây lương thực, Cây thực phẩm - cục Trồng trọt (bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: “Để xảy ra tình trạng dưa hấu rớt giá như mấy năm vừa qua là do hình thức tổ chức sản xuất của bà con nông dân không phù hợp. Riêng ở duyên hải Nam Trung Bộ bà con nông dân thường sản xuất tự do, không có tính chất giải vụ. Vì thế khi dưa hấu chín ồ ạt thì không tìm được cách tiêu thụ, dẫn đến việc không bán được và bị thương lái ép giá. Hơn nữa, sợi dây liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn kém nên mới dẫn đến sự ứ đọng quá nhiều dưa hấu như hiện nay”.
Cũng theo ông Nguyễn Như Hải, việc các tổ chức, đơn vị, cá nhân đang “giải cứu” dưa hấu hộ nông dân trồng dưa chỉ là biện pháp nhất thời, trong mô hình sản xuất hiện đại thì nó không mang lại hiệu quả. Chính vì thế, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người để tiêu thụ dưa cho bà con nông dân một cách hợp lý. Không những thế, người dân phải tìm hiểu và có kế hoạch sản xuất dưa hấu cụ thể, trồng giải vụ để khi trái vụ dưa hấu không đắt đỏ còn đến chính vụ không phải cho trâu, cho bò ăn.
Đứng trước thực trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc kêu gọi “giải cứu dưa hấu” là hành động không mang tính chất bền vững và không phải giải pháp tốt cho người nông dân và cả nền kinh tế. PV đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Tất Thắng (giảng viên học viện Nông nghiệp Việt Nam). TS. Tất Thắng cho rằng: “Việc “giải cứu dưa hấu” bằng các chương trình kêu gọi tấm lòng thiện nguyện không thể diễn ra thường xuyên được và không mang tính chất bền vững.
Nếu muốn giải quyết triệt để thì không thể dùng giải pháp ngắn hạn mà về lâu về dài các cơ quan quản lý cần tổ chức giống như một gia đình một cách hài hòa, có quy hoạch, có chiến lược, nguồn lực, huy động vốn cụ thể... tất cả phải được thực hiện đồng bộ, một cách bài bản khoa học”.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thao (Hà Nội) cũng cho biết thêm: “Việc “giải cứu” dưa hấu là việc làm chữa cháy không căn cơ, về lâu về dài là không ổn. Trước hết, chính chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi, phải làm sao để nông sản của người dân đến được với người tiêu dùng mà không cần những “chiến dịch giải cứu”.
Cái gốc của vấn đề chính là thay đổi cách thức sản xuất hiện nay làm sao gắn với thị trường và quản lý theo chuỗi. Còn nếu cứ giải cứu hết cây này đến cây khác thì đó chỉ là lòng tốt trước mắt, nhưng lòng tốt này không thể “ăn” mãi được”.
Xem thêm:
Bác sĩ điển trai như sao Hàn tiết lộ lý do làm tại khoa sản?
Mai Hằng - Hoàng Bích