Đó là thầy Trần Quốc Việt, công tác tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Măng Bút, xã Măng Bút, huyện Kon Plông. Một ngày cuối tháng 3.2013, có 2 thợ săn cắt rừng tìm đến nhà thầy giáo Việt ở dưới núi Vi Xây, hỏi có mua khỉ không? Thầy Việt nhận ra ngay 2 con vọoc chà vá chân xám quý hiếm, là 2 mẹ con. Nghe 2 thợ săn nói: “Nếu thầy không mua, mình đem 2 con này về làm thịt nhậu cho vui”, thầy Việt đã thuyết phục họ đổi 2 con voọc để lấy một lít dầu ăn và 10 gói mì tôm.
Thầy Việt chăm sóc chú voọc con - Ảnh: do nhân vật cung cấp
Nhận voọc quý từ thợ săn, thầy giáo trẻ vừa mừng vừa lo. Mừng vì làm được một việc ý nghĩa nhưng cũng lo ngay ngáy vì sợ hiểu nhầm là bắt giữ động vật quý hiếm. 2 chú voọc rất yếu do bị thợ săn truy đuổi, nếu thả chúng về rừng thì chắc lại không thoát được đám thợ săn, nên thầy Việt quyết định giữ lại chăm sóc cho chúng khỏe rồi tính tiếp.
Những ngày sau đó, một mình thầy Việt suốt ngày lụi hụi chăm sóc 2 chú voọc. Từ lâu chỉ quen làm “bảo mẫu” cho lũ học trò, nay bỗng chốc bất đắc dĩ thành “mẹ nuôi” cho 2 chú voọc khiến thầy giáo trẻ rất lúng túng. Sợ sức khỏe của voọc sau nhiều ngày bị truy đuổi sẽ suy kiệt mà chết, thầy Việt liền báo cáo cho thầy Hiệu trưởng Hoàng Văn Đam biết sự việc. Thầy Đam khuyên đồng nghiệp đem 2 con voọc thả vào rừng, ở một nơi thật xa mà thợ săn không tới được.
Hai mẹ con voọc được thầy Việt cứu sống
Nhưng 2 con voọc vẫn còn quá yếu. Giữa lúc phân vân, thầy Việt lên mạng tìm hiểu thông tin và mừng rỡ khi tìm thấy số điện thoại đường dây nóng của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã. Ngay sau đó, cán bộ của Vườn quốc gia Cúc Phương đã gọi điện, hướng dẫn tận tình về cách cho voọc ăn, uống và đi tìm lá thức ăn phù hợp.
Khi 2 con voọc đã khỏe, thầy hiệu trưởng khuyên thầy Việt nên báo cáo cho lực lượng kiểm lâm địa bàn để bàn giao. Hai ngày sau, kiểm lâm huyện và cán bộ thuộc rừng Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) có mặt để nhận 2 con voọc. Ông Nguyễn Minh Cường, phó phòng GD-ĐT H.Kon Plông, cho biết việc làm của thầy Việt đã được biểu dương và tuyên truyền sâu rộng trong ngành giáo dục của huyện. “Việc làm của thầy Việt đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ động vật hoang dã, nhất là với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện”, ông Cường nói.
Được biết, sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Kon Tum, năm 2007 Việt tình nguyện lên công tác tại xã vùng sâu Măng Bút. Ngoài thời gian giảng dạy, Việt còn đón 2 học sinh mồ côi nghèo khó là em A Dơn và Y Hảo về nuôi dạy, chăm sóc. Nhiều thầy cô biết chuyện đã đùa vui: “Thầy giáo Việt chưa có vợ mà đã có 2 con”. Nghe thế, cả “ba cha con” cùng phá lên cười.
Theo Thanh niên