Động vật có vú và loài bò sát biển do tiến hóa từ các loài động vật trên cạn nên thường xuyên phải ngoi lên mặt nước để thở và tìm cách để uống nước ngọt.
Theo Livescience, rắn biển là thành viên của họ rắn độc Elapidae bao gồm hổ mang, mamba và rắn san hô (có ba màu đỏ, vàng, đen xen kẽ nhau dọc theo cơ thể). Mặc dù phần lớn họ Elapidae sống trong môi trường nước mặn, chúng lại xuất hiện tập trung ở các khu vực có lượng mưa lớn.
Nhà nghiên cứu Harvey Lillywhite thuộc Đại học Florida (Gainesville) đã tìm hiểu trên loài rắn biển đen vàng Hydrophis platurus ở Costa Rica và ông đặt ra giả thuyết về việc rắn biển cần nước ngọt.
Để kiểm chứng giả thiết, nhóm nghiên cứu theo dõi vài loài rắn biển trong phòng thí nghiệm. Họ không cho chúng tiếp xúc với nước biển trong hai tuần. Trong thời gian đó khối lượng cơ thể chúng giảm đáng kể. Sau khi cân rắn, các chuyên gia thả chúng vào bể nước mặn trong 20 giờ. Họ lại vớt chúng ra và đặt lên cân. Kết quả cho thấy khối lượng cơ thể của rắn không tăng. Điều này đồng nghĩa với việc chúng không chịu uống nước mặn mặc dù rất khát.
Khi thử nghiệm được lặp lại với nước ngọt, phần lớn lũ rắn uống nước ngay lập tức. Các thử nghiệm tiếp theo cho thấy rắn biển cũng có thể sống được trong môi trường nước muối loãng.
Một số loài rắn biển phân bố ở những vùng nước kín (bị bao quanh bởi các đảo hoặc chướng ngại vật tự nhiên khác) dù ở đó không có nguồn cung cấp nước ngọt. Theo Harvey Lillywhite, trưởng nhóm nghiên cứu, rất có thể chúng sống nhờ nước mưa.
Sau cơn mưa, nước mưa chưa thể hòa tan vào với nước biển bởi hai loại nước có tỷ trọng khác nhau, sẽ hình thành một lớp nước ngọt trên biển. Lớp nước này có thể tồn tại trong vài ngày trước khi bị mất đi.
Điều đó giải thích tại sao rắn biển thường xuất hiện ở nơi có lượng nước mưa lớn.
Giới khoa học từng giả định rằng các tuyến muối của rắn biển giúp chúng lọc muối ra khỏi nước, nhưng Harvey cho rằng tuyến muối giúp rắn biển cân bằng ion bằng cách loại bỏ muối thừa ra khỏi máu.
Nhưng có 1 điều lạ lùng là vì sao rắn biển lại phát hiện ra vùng lân cận có mưa rơi nên nhanh chóng tiếp cận nguồn nước ngọt và "nạp" nước cho cơ thể.
Giới chuyên gia lý giải rằng, cơ thể của rắn biển chịu được sự thay đổi lớn về lượng nước có trong cơ thể.
Ở trạng thái tốt nhất, chúng chứa tới 80% nước so với khoảng 60% ở người và nhiều động vật khác. Khi ở mức thấp hơn có khả năng gây tử vong ở người thì chúng vẫn "sống nhe răng".
Với cơ chế suy giảm nước trong cơ thể một cách từ từ, những con rắn biển này có thể chịu "khát" 6 - 7 tháng mà không cần uống.
Nếu so với khả năng chịu khát của loài lạc đà trên sa mạc thì rắn biển tốt hơn nhiều.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn: Hội chứng ăn cát, bột giặt... thay cơm mà vẫn khỏe mạnh
Phong Linh