Theo các nhà khoa học, có khoảng 85.000 loài nấm tồn tại trong thế giới tự nhiên, nhưng chỉ 71 loài trong số này được cho là có thể phát quang sinh học.
National Geographic cho biết, trong suốt nhiều năm qua Dennis Desjardin - một chuyên gia của Đại học San Francisco, Mỹ - cùng các đồng nghiệp tìm kiếm các loài nấm mới trong nhiều khu rừng nhiệt đới gần Đại Tây Dương và thuộc lãnh thổ Brazil.
Nấm Mycena luxaeterna có một chất keo dính trên thân để duy trì độ ẩm trong điều kiện thời tiết nắng nóng vào ban ngày. Chất keo dính cũng giúp chúng bắt côn trùng để làm thức ăn. Đây là một trong 7 loài nấm phát sáng mới được phát hiện trên khắp thế giới trong thời gian gần đây, nâng tổng số loài nấm dạng này lên con số 71. Nấm phát quang có thể phát ánh sáng xanh suốt 24 giờ mỗi ngày, nhưng nhìn rõ nhất vào ban đêm.
Nhóm tìm kiếm cho rằng nấm Mycena luxaeterna phát sáng bởi một hoặc nhiều mục đích nào đó. Chẳng hạn, chúng phát sáng vào ban đêm để thu hút sự chú ý của côn trùng chuyên kiếm ăn vào ban đêm. Đây là một chiến thuật cần thiết để sinh tồn trong những khu rừng nhiệt đới rậm rạp đến nỗi gió không thể phát tán bào tử nấm tới những nơi khác. Những con côn trùng hoạt động vào ban đêm sẽ giúp nấm phát tán bào tử.
Một điều đáng chú ý là mọi loài nấm phát sáng đều phát ra thứ ánh sáng xanh lục pha vàng với bước sóng giống nhau. Desjardin cho rằng ánh sáng phát ra nhờ một quá trình hóa học nào đó, giống như hiện tượng phát ánh sáng của đom đóm.
Phần lớn những loài nấm phát sáng phân bố trong những khu rừng rậm, kín thuộc những khu vực nhiệt đới trên thế giới – như Đông Nam Á, Nam Mỹ hay vùng Caribbe. Tới nay giới khoa học vẫn chưa hiểu tại sao chúng chỉ sống ở rừng nhiệt đới.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn: Nơi phụ nữ cả đời không tắm bằng nước và luôn để ngực trần
Phong Linh (tổng hợp)