Ngày 10/2/2017, 416 con cá voi mắc cạn ở mũi Farewell thuộc Vịnh Golden, cực nam New Zealand. Không những vậy, ở các bờ biển của New Zealand, Australia, đông nam và tây bắc nước Mỹ, cũng xảy ra hàng trăm vụ mắc cạn mỗi năm, biến chúng trở thành "nghĩa địa" cá voi.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, tại sao cá voi bị mắc cạn nhiều đến vậy. Câu hỏi này đã được các nhà khoa học lý giải bằng các giả thuyết mà chưa có một đáp án chính xác.
Nhiều nhà khoa học cho rằng không phải ngẫu nhiên mà những nơi này trở thành mồ chôn tập thể của các loài động vật biển to lớn. Theo họ, thời tiết là một trong những yếu tố gây nên hiện tượng này.
Năm 2005, nhóm nghiên cứu từ Đại học Tasmania, Australia phân tích các vụ mắc cạn ở vùng biển đông nam và đảo Tasmania trong hơn 82 năm. Kết quả chỉ ra rằng, cứ khoảng 11 đến 13 năm, thời điểm hoạt động của gió thay đổi thì số cá mắc cạn lại lên cao. Theo lý giải của Ari Friedlaender thuộc Đại học Oregon, New Port, Mỹ sự thay đổi đưa các dòng nước giàu dinh dưỡng vào bờ với nguồn thức ăn phong phú, thu hút cá voi đến gần.
Giới khoa học cũng không loại trừ khả năng những trận bão biển bắt nguồn từ sự thay đổi của gió làm cá voi mất phương hướng và dạt vào bờ. Khi mắc kẹt, chúng nhanh chóng mất sức và chết nếu không được giải cứu kịp thời.
Trong nhiều trường hợp, hàng chục hay thậm chí hàng trăm con cá voi cùng mắc cạn tại một nơi. Điều này chỉ ra bản chất bầy đàn tự nhiên của cá voi và có thể bổ sung giả thiết "con đầu đàn bị bệnh".
Hoạt động của con người cũng được xem là một trong những yếu tố có thể gây ra hiện tượng cá voi mắc cạn. Trong đó, "thủ phạm" thường xuyên được nhắc tới là hệ thống định vị trên các tàu ngầm quân sự hoạt động dưới biển.
Các chuyên gia nhận định sóng âm phát ra từ đây làm ô nhiễm âm thanh đại dương, khiến cá voi hoảng loạn, mất phương hướng và phải lao lên mặt nước nhanh hơn bình thường.
"Cá voi rất dễ hoảng sợ. Chúng kiếm ăn ở khu vực rất sâu và không có đối thủ cạnh tranh, do vậy bất cứ điều gì gây mất yên tĩnh đều khiến chúng lo lắng", Andrew Brownlow thuộc một trường đại học ở Inverness, Scotland cho biết.
Tảo độc cũng là một trong những nguyên nhân khiến cả voi chết hàng loạt. Cụ thể là loại tảo độc đã khiến 14 con cá voi lưng gù mắc cạn và chết tại mũi Cod, bang Massachusetts, Mỹ, năm 1987.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn thành phố có “mặt trời mọc giữa đêm” trong suốt 2 tháng
Phong Linh