Hồi tháng 9/2019, tại khu căn hộ ở thành phố Phoenix, bang Arizona, phía tây nam nước Mỹ, cư dân Tim Kuykendall ghi lại cảnh một cây cọ đang bốc cháy dữ dội.
Theo Giáo sư Guillermo Rein, chuyên gia về khoa học lửa tại Học viện Hoàng gia London, video trên là một hiện tượng hiếm gặp và thú vị. "Có thể sau khi bị sét đánh, ngọn lửa âm ỉ dần bên trong, khoét rỗng thân cây và cứ thế bùng lên. Quá trình này vô tình tạo nên ống khói tự nhiên trong thân cây và cháy mạnh hơn".
Tuy nhiên, hiện tượng cây bốc cháy do sét đánh khá hiếm gặp. Trên lý thuyết, nhựa cây là chất dẫn điện và nhiệt tốt hơn gỗ. Vì vậy, khi bị sét đánh, nó có thể bị đốt nóng tới nhiệt độ rất cao trong thời gian ngắn, gây ra áp lực cực lớn từ bên trong, khiến thân cây có thể bốc cháy hoặc phát nổ.
Ngoài nguyên nhân là do sét đánh, hiện tượng thân cây cháy cũng có khả năng liên quan đến nấm mật ong, hay nấm Armillaria, theo Scott Stephens, giáo sư về khoa học lửa tại Đại học California, Berkeley.
Đây là loài ký sinh ăn cây, khiến thân rỗng bên trong còn bên ngoài thì khô giòn. Điều này khiến cây dễ tổn thương trước những ngọn lửa hình thành do cháy rừng, sét đánh hoặc hoạt động của con người. Nếu lửa tiến vào trong khoang rỗng, cây có thể cháy vài ngày rồi cuối cùng đổ sụp, Stephens cho biết.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn: Sát thủ nào có thể hạ gục “chúa tể” cá mập trắng?
Phong Linh