Theo nghiên cứu mới cho thấy ⅔ khối lượng nước của hồ trên bề mặt sông băng ở Greenland chảy xuống đáy dải băng trong vài giờ.
Video: Kinh ngạc cảnh hồ Greenland khổng lồ biến mất trong vài giờ
Một video ghi lại cảnh ấn tượng nước hồ biến mất trên bề mặt sông băng Store Glacier ở phía tây Greenland. Vào tháng 7/2018, hồ mất 2/3 thể tích chỉ trong 5 giờ, tương đương lượng nước của 2.000 bể bơi Olympic. Ngay cả sau khi hồ cạn nước, vết nứt vẫn còn đó, để lại một ống dẫn từ bề mặt sông băng đến đáy ở độ sâu 1km.
Poul Christoffersen, nhà nghiên cứu về sông băng tại Viện nghiên cứu Scott Polar của Đại học Cambridge nói, lượng nước làm đáy dải băng dễ tan chảy, đẩy nhanh sự di chuyển của nó ra biển, nơi nó có thể góp phần làm tăng mực nước biển.
Kể từ khi quan sát vệ tinh của hòn đảo bắt đầu vào những năm 1970, số lượng hồ nước tan chảy băng của Greenland đã tăng lên. Những hồ nước theo mùa này cũng đã bắt đầu phát triển lớn hơn và xuất hiện ở độ cao cao hơn so với trước đây. Những xu hướng này được liên kết với một xu hướng ấm lên ở Greenland, nơi đã trải qua tỷ lệ tan chảy cao khi trái đất nóng lên .
Vào ngày 7/7/2018, Christoffersen và nhóm của anh đã cắm trại gần một hồ nước tan chảy có tên là Hồ 028 trên Store Glacier khi họ nhận thấy mực nước hồ đang giảm nhanh.
"Chúng ta có thể thấy một vết nứt hình thành trong băng và nước chảy vào vết nứt này khi nó mở ra", Christoffersen nói.
May mắn thay, nghiên cứu sinh hệ tiến sĩ của Viện nghiên cứu Scott Polar Thomas Chudley đã có mặt tại hiện trường với một máy bay không người lái mà anh ta đang sử dụng để chụp hình ảnh cận cảnh bề mặt băng hà. Chudley lái máy bay không người lái qua hồ để thu thập hình ảnh chi tiết. Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ vào ngày 2/12 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science .
Các quan sát mới cho thấy hơn 4,77 tỷ lít nước chảy từ hồ xuống đáy sông băng. Lý do hồ 028 không cạn hoàn toàn là do vết nứt không trải dài tới điểm sâu nhất của bồn địa hồ. "Điều đó có nghĩa chúng ta đang đánh giá thấp khả năng cạn nước của hồ và tạo ra các đường dẫn nước từ bề mặt tới đáy dải băng. Việc hiểu chính xác các những vết nứt giao cắt với hồ đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta lập mô hình thềm băng tốt hơn", Christoffersen chia sẻ.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn những cơn mưa động vật kỳ lạ không biết đến từ đâu rơi xuống mặt đất
Phong Linh (theo Live Science)