Theo tờ Science Alert, các nhân viên tại thủy cung New England (Mỹ) đã vô cùng bất ngờ, khi một con trăn Anaconda cái 8 tuổi (nặng 13,6 kg, dài khoảng 3 mét) đã sinh con mà không cần giao phối.
Tất cả bạn cùng phòng của con trăn Anaconda vừa sinh con đều là trăn cái. Do vậy, khi họ phát hiện nó tự sinh con, các nhân viên ở đây cũng như nhiều chuyên gia vô cùng sửng sốt.
Sự việc bất ngờ khiến phía thủy cung phải mang những con trăn nhốt cùng hồ với Anna xét nghiệm lại giới tính. Họ cũng kiểm tra lại quá trình sinh sống của Anna xem nó có tiếp xúc với con trăn đực nào không.
Sau khi loại trừ mọi khả năng, các chuyên gia động vật tin rằng Anna đã sử dụng phương thức sinh sản cực hiếm gặp là trinh sản.
Trinh sản (parthenogenesis) còn gọi là trinh sinh - sự sinh sản trinh nữ - là một hình thức sinh sản mà trứng không thụ tinh phát triển thành cá thể mới. Hình thức sinh sản này thường bắt gặp ở rệp, côn trùng, giun nhưng cực kỳ hiếm gặp ở các loài động vật có xương sống - đặc biệt trăn, rắn là loài sinh sản lưỡng tính.
Đây là trường hợp trinh sản thứ hai được xác nhận ở trăn anaconda xanh. Một trường hợp khác xảy ra ở vườn thú Anh năm 2014.
Sau khi kiểm tra DNA của hai con trăn sơ sinh, các nhà nghiên cứu bất ngờ thêm lần thứ hai khi cả hai con đều có DNA trùng khớp với Anna. Giống như hai bản sao di truyền đầy đủ của con mẹ.
"Về mặt di truyền, đó là một quá trình dễ bị tổn thương. Những con non có khả năng tồn tại thấp so với sinh sản hữu tính", phát ngôn viên thủy cung Tony LaCasse nói.
Dù Anna đẻ nhiều con non, một số con chết từ trong bụng mẹ. Một trong ba con non chào đời chết vài ngày sau khi sinh. Hai con trăn non còn lại hiện dài 0,6 mét. Chúng thể hiện tính cách khác nhau, con gầy hơn tỏ ra rụt rè trong khi con nặng hơn tỏ vẻ thích khám phá.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn kỳ lạ nhất hành tinh về những hòn đá ma thuật “biết đi” ở thung lũng Chết
Phong Linh