Họ Trần làng Kim Thiều, xã Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh vốn nổi danh là dòng họ khoa bảng. Trải qua đến nay đã 21 đời, từ thời tiên tổ thứ nhất đến nay con cháu dòng họ này nổi tiếng là hay chữ, có nhiều người đỗ đạt thành danh được sử sách ghi lại. Trong đó, có những vị từng là thầy dạy học của vua.
Nhà thờ họ Trần tại làng Kim Thiều
Huyền tích còn lại
Đến nay trong gia phả của dòng họ Trần trên đất Kim Thiều viết về cụ Tổ đời thứ nhất còn nhiều thông tin chưa được rõ ràng về xuất xứ, năm sinh và năm mất. Nhưng những hậu duệ trong thân tộc cho rằng, cụ Tổ đời thứ nhất vốn xuất thân từ dòng dõi vua Trần. Để minh chứng cho điều này, cụ Trần Văn Tuân (SN 1926), đời thứ 28 của dòng họ Trần, người cao tuổi nhất được nghe các cụ đời trước kể về tích xưa nói về vị tiên tổ đời thứ nhất tâm sự với chúng tôi.
Theo đó, cụ Tổ đời thứ nhất hiện nay không rõ tên tuổi, sau này con cháu đặt tên hiệu là Phổ Khánh, lưu dạt (trong gia phả và con cháu chưa biết từ đâu) đến vùng đất Hương Mạc sinh cơ lập nghiệp bằng nghề rèn (nghề làm khóa – vùng đất Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay), xưa dưới thời nhà Lê sơ thường làm khóa để cống nạp cho triều đình, hiện nay cái tên Làng Khóa còn được nhắc đến tại một làng cổ ở đất Hương Mạc. Cụ tuy làm thợ rèn nhưng dáng người nho nhã, thư sinh, toát lên nét thanh cao của con nhà quyền quý.
Theo cụ Tuân kể lại: “Một hôm có hai người đội mũ quan đi ngang, thấy cụ liền hỏi: “Quan nhân sao không về triều làm quan mà làm nghề rèn?”. Sau buổi hôm đó, cụ Phổ Khánh lại rời Làng Khóa, chuyển đến vùng đất mới cạnh làng Kim Thiều ngày nay làm nông để sống”.
Cuộc sống thôn dã mang đến cho cụ Phổ Khánh sự tự do, tự tại. Lối sống thanh bạch của cụ khác xa so với những người nông dân bình thường. Chính lối sống đó khiến cụ Phổ Khánh được nhiều người xem là lạ và dành tình cảm yêu mến cụ.
Ông Thành, một người trong dòng tộc họ Trần đất Kim Thiều ngồi cạnh cụ Tuân tiếp lời: "Tích xưa về cụ Tổ đời thứ nhất còn kể lại rằng: Một hôm cụ Tổ đang cày đồng gặp một lão ăn mày đến xin cơm ăn. Người này, bộ dạng rách rưới, bẩn thỉu nhưng cụ Phổ Khánh vẫn trân trọng đối đãi và nhường hẳn suất cơm trưa của mình cho lão. Đến ngày thứ hai, lão ăn mày này lại đến, cụ lại nhường cơm. Đến trưa hôm thứ ba vẫn thế, nhưng sau khi ăn cơm xong, lão ăn mày này thổ lộ: “Ta vốn không phải là người ăn mày, vì thấy con một người tuấn tú, khuôn mặt phúc hậu, đến để làm quen và thành ý muốn giúp đỡ””.
Cụ Tuân kể tiếp: “Cụ Tổ Phổ Khánh bản tính tự lập, lại không thích nương nhờ người khác đành từ chối những ân huệ của lão ăn mày đưa ra. Nhưng trước sự chân thành của lão, có phần kỳ quái nên cụ Phổ Khánh đã thuận lòng”. (Lão ăn mày mà các cụ kể trong tích xưa về vị tiên tổ của mình được cụ Tuân và mọi người nhắc đến với một cái tên đầy màu sắc huyền bí đó là nhân vật có tên Trần Thái Sử. Theo cụ Tuân và cụ Thành, Trần Thái Sử là một người nổi danh là thầy địa lý, xưa được ví tài năng ngang bằng với Tả Ao về xem phong thủy).
Cảm mến đức hạnh của cụ Phổ Khánh, Trần Thái Sử đã ngỏ ý muốn xem chỗ đặt mồ mả của cụ Phổ Khánh sau khi mất để con cháu đời sau được hưởng vinh hiển. Trần Thái Sử đã dẫn cụ Phổ Khánh đến một vùng đất được xem là long mạch, rất linh thiêng nếu người nào may mắn đặt được huyệt mộ nơi đây thì đời sau con cháu sẽ được làm vua. Cả hai người đi đến vùng đất này nhưng có điều không may, chỗ đất đó Tả Ao đã đến trước và lấy làm nơi xây chùa cho ngôi làng cạnh đó.
Sau lần đó Trần Thái Sử rất buồn vì thất hứa với cụ Phổ Khánh, đành đưa ra phương án thứ hai để "chữa cháy", giới thiệu vùng đất mới và kèm theo một lời sấm truyền: “Đời thứ nhất long đong, đời thứ hai bần hàn, đời thứ ba bắt đầu ổn định, đời thứ tư có danh, từ đời thứ năm trở đi văn chương lai láng, công danh rộng mở”. Sau này cụ tổ Phổ Khánh đã dùng tiền mua mảnh đất này, dặn con làm theo điều Trần Thái Sử từng dặn.
Cụ Tuân cho biết thêm: "Về sự tích trên chưa biết thực hư thế nào, nhưng khi chiếu vào lịch sử của dòng họ thì thực sự linh ứng. Mặc dù không thể kiểm chứng được về câu chuyện giữa cụ Tổ Phổ Khánh với Trần Thái Sử nhưng con cháu trong họ trân trọng và xem nó như là một huyền tích có thật. Tin rằng huyền tích về vị trí đặt mộ của cụ Tổ là có thật, đến mãi sau này con cháu khi làm việc gì cũng sẵn niềm tin rằng mình sẽ được hưởng phước may mắn từ cụ Tổ nhà mình”.
Cụ Tuân, người cao tuổi nhất trong họ kể về các vị tiên tổ của họ mình
Sự linh ứng kỳ diệu
Đất Kim Thiều, được ví là đóa hoa sen nở giữa vùng Đồng bằng Bắc bộ. Bởi vùng đất này là nơi xuất thân của tám vị tiến sĩ nổi danh trong lịch sử phong kiến. Họ Trần có hai người, nếu xét thêm về những người đậu tú tài, cử nhân trải qua nhiều đời kế tiếp nhau thì khó có một dòng họ nào ở vùng đất này sánh kịp.
Ngồi trước từ đường của dòng họ, cụ Tuân trân trọng lần giở những trang gia phả giới thiệu chi tiết từng vị tiên tổ của họ mình cho chúng tôi xem. Vừa lần giở, cụ Tuân vừa lý giải chi tiết từng phả hệ. Giọng nói ấm áp, khuôn mặt phúc hậu, ánh lên vẻ trí thức, thỉnh thoảng hé nụ cười đầy mãn nguyện, tự hào về truyền thống của dòng họ mình. Theo gia phả dòng họ Trần, từ vị tiên tổ thứ nhất đến hết đời thứ ba trong tộc họ, học vấn chỉ dừng ở bậc tú tài (thời phong kiến thi đậu tú tài là một niềm vinh dự lớn, nhiều nơi cả làng ra nghênh đón khi sĩ tử thi đậu trở về). Nhưng đến đời thứ 4 trở đi, con đường công danh ngày một sáng sủa, nhiều người đỗ đạt cao.
Cụ Tổ đời thứ tư, hiệu là Nhiễm Khê (SN 1472), tuổi trẻ đã thể hiện tài năng văn thơ uyên bác. Tham gia thi hội đậu tam trường, nổi tiếng với bài phú “Phượng thành xuân sắc phú” ca ngợi cảnh đẹp của mùa xuân trên đất Thăng Long. Do tài năng nên cụ được triều đình bổ nhiệm vào làm quan ở phủ Ứng Thiên (vùng đất Hà Tây, này thuộc Hà Nội). Sau này cụ được phong chức giáo thụ ở Quốc Tử Giám . Khi mất, cụ được nhà vua phong chức “Thái bảo thiện dụ hầu” (tức hàng nhất phẩm).
Cụ Tổ đời thứ 5 - Ngạn Húc, nổi danh về sự thông minh, uyên bác. Mới 28 tuổi đã đỗ đầu kỳ thi hương. Đến năm 1538 đỗ đồng tiến sĩ. Con đường hoan lộ của cụ Ngạn Húc trải qua nhiều chức vụ, nhưng cao nhất là chức Thừa sứ đạo Tuyên Quang.
Cụ Tổ đời thứ 6 tên là Phi Nhỡn, năm 28 tuổi đỗ đầu kỳ thi hương, năm 45 tuổi đỗ tiến sĩ, theo phò vua Mạc đến tận đất Cao Bằng. Là người học rộng tài cao, cụ từng làm thượng thư bộ hộ, được sung vào làm thầy dạy học của vua, khi vua còn trẻ nhiếp chính trị quốc.
Con cháu sau này từ đời thứ 7 đến đời thứ 14 vẫn nối nghiệp khoa cử, nhiều người đỗ đạt cử nhân, nối nghiệp tổ tiên lập thân bằng đường khoa cử.
Cụ Trần Ôn - ông ngoại của Nguyễn Du là người con của dòng họ Trần, thuộc đời thứ 9, làm quan Câu Kê. Cụ có con gái là bà Trần Thị Tần lấy Nguyễn Nghiễm sinh hạ được bốn người con, cụ Nguyễn Du là con trai thứ 2 của bà. (Được biết, vợ của cụ Trần Ôn thuộc dòng họ Nguyễn đất Phù Khê – đây là một nhánh của dòng họ Nguyễn Trãi lưu dạt trốn về nơi đây sinh sống sau khi Nguyễn Trãi bị án chu di).
Một dòng họ nổi danh khoa cử trải qua hai triều đại Mạc và Lê Trung Hưng là một điều hiếm có. Thông thường những người phò Mạc, sau khi nhà Mạc thất thế thì con cháu phải li tán, chạy trốn để khỏi bị nhà Lê Trung Hưng tìm cách truy sát tiêu diệt. Việc dòng họ Trần không bị truy sát mà còn thi cử đỗ đạt dưới thời Lê Trung Hưng là một điều lạ, một ngoại lệ của lịch sử. Trong giai thoại và gia phả họ Trần nơi đây còn lưu giữ những bí ẩn còn chưa từng tiết lộ...
Những chuyện chưa kể về ngoại tộc của Đại thi hào Nguyễn Du: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, câu thành ngữ dường như rất đúng với trường hợp của cụ Nguyễn Du. Không chỉ kế thừa được truyền thống hiếu học, khoa bảng từ dòng họ Nguyễn đất Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cụ Nguyễn Du còn được thừa hưởng truyền thống khoa bảng, thơ phú của dòng họ Trần, làng Kim Thiều, Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh từ mẹ. Chính sự kết tinh tinh hoa của hai dòng họ lớn, nên cụ Nguyễn có cái gen thông minh trác tuyệt, góp phần tạo nên tài năng thi ca lừng danh muôn thuở. |
Trinh Phúc
(Còn nữa)