Cá chình điện hay còn gọi là lươn điện sống ở phía Bắc Nam Mỹ chủ yếu ở lưu vực sông Amazon và sông Orinoco Peru (Nam Mỹ), tại những nơi có ít khí oxy.
Cá chình điện có thể phát triển tới chiều dài khoảng 2,4m và cân nặng gần 22,7kg. Cá chình điện có thân hình trụ thuôn dài, phần đầu lớn cân đối so với tỷ lệ cơ thể. Đầu của cá hơi bẹt giống với phần đầu của loài cá trê. Đôi mắt của chúng khá nhỏ, được bố trí ở phần đỉnh đầu. Miệng của cá khá lớn và hếch lên.
Hàm cá khá rộng và có rất nhiều răng nhọn tạo thành 1 bánh răng. Điều này giúp chúng có thể dễ dàng nghiền nát con mồi. Vây ngực, vây mang nhỏ và rất mềm. Vây bụng của chúng mềm tạo thành một dải dài từ giữa bụng đến hết phần đuôi. Toàn bộ thân hình của cá chình điện có màu xanh lá hoặc xám. Trải dọc lưng của cá có những chấm tròn nhỏ màu đỏ.
Cá chình điện chủ yếu ăn động vật. Thức ăn của chúng chủ yếu là các loài cá nhỏ, động vật lưỡng cư và các loài chim nhỏ. Chúng là loài di chuyển chậm, mắt kém, chính vì vậy khi săn mồi chúng không sử dụng đôi mắt để phát hiện con mồi. Cá thường sử dụng chiếc đuôi phát ra một dòng điện áp thấp để dò tìm con mồi.
Không chỉ vậy, cá chình điện còn được biết đến với khả năng tạo ra những cú sốc điện áp cực cao làm choáng váng hay giết con mồi và tự vệ. Một con cá chình với kích thước 2m có thể phát ra một vụ nổ hơn 600 volt, gấp năm lần điện áp của một ổ cắm điện tiêu chuẩn Mỹ.
Đầu tiên, để hiểu được tính hai mặt của cách thức tự vệ có một không hai này thì cấu tạo cơ thể cá chình điện đã giúp nó phát huy cách tự vệ này.
Các bộ phận trên cơ thể của chúng có thể được chia làm 2 loại chính: nội tạng và cơ quan phát điện. Dù rất quan trọng, nhưng phần nội tạng - bao gồm cả tim, gan... được gói gọn trong không gian nhỏ phía gần đầu. Còn 80% cơ thể còn lại dành toàn bộ cho vũ khí của nó.
Các cơ quan phát điện của cá chình trải dọc toàn thân, gồm 3 phần: phần tích điện chính, phần định vị và phần phóng điện. Sự phối hợp hoàn hảo của chúng cho cá chình điện một khả năng vô cùng độc đáo, phóng ra 2 loại điện: dòng điện áp thấp (để định hướng và thăm dò môi trường do thị giác của cá chình điện khá kém) và dòng điện áp cao (để tấn công kẻ địch hoặc săn mồi).
Đó là cách cá chình phóng điện. Nhưng khi phóng ra chúng làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi bị điện giật. Sự thật là khi phát ra điện để tấn công kẻ thù, cá chình điện phải chấp nhận một rủi ro không hề nhỏ. Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng chúng thường xuyên bị sốc bởi chính dòng điện do mình phóng ra. Tuy nhiên, chúng không chết, tất cả là vì ba lý do chính sau đây.
Một là nhờ cấu tạo cơ thể hợp lý khiến cho khả năng dòng điện đi qua và gây hại cho các bộ phận trọng yếu là rất nhỏ. Dòng điện gần như phóng thẳng ra môi trường chứ không truyền trong cơ thể quá lâu.
Hai là dòng điện phát ra không đủ lâu để giết chết một con vật lớn như lươn điện. Cần biết rằng kích thước cơ thể tỉ lệ thuận với điện áp cao nhất một con có thể tạo ra. Cá càng to, điện phóng ra càng mạnh. Giới khoa học phỏng đoán rằng tạo hóa đã rất khéo léo khi để điện áp tối đa của mỗi con lươn điện khó có thể giết chính nó trong khoảng thời gian ngắn mà dòng điện tồn tại.
Và cuối cùng, chúng có một bản năng đặc biệt để giảm nguy hiểm cho bản thân, bằng cách uốn cơ thể của mình theo những cách nhất định để tránh dòng điện đi qua tim. Với mỗi tình huống khác nhau, cá chình điện lại có cách riêng để tự vệ.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn hiện tượng núi lửa băng phun trào
Phong Linh (tổng hợp)