Trên tạp chí Entomological Science, Charles Swart, giảng viên ở Đại học Trinity tại Connecticut, Mỹ, chuyên gia về bọ nước khổng lồ cho hay: "Bọ nước khổng lồ là những thợ săn chuyên nằm rình. Chúng đậu trên một loại cây dưới nước, chộp lấy và ăn thịt bất cứ thứ gì di chuyển trước mặt".
Nghiên cứu mới xem xét kỹ hơn sinh thái học của bọ nước khổng lồ, phân bố gần như khắp thế giới và bao gồm 150 loài. Hai loài lớn nhất là Lethocerus grandis và Lethocerus maximus sống ở Nam Mỹ có thể dài hơn 10cm.
Đồng tác giả nghiên cứu, Shin-ya Ohba, phó giáo sư côn trùng học ở Đại học Nagasaki, Nhật Bản chia sẻ với National Geographic, ông bị thu hút bởi bọ nước khổng lồ ngay từ lần đầu tiên bắt gặp một con ở cửa hàng sinh vật cảnh năm 7 tuổi. "Các nhà côn trùng học Nhật Bản thích bọ nước khổng lồ bởi chúng có hình thái thú vị", Ohba chia sẻ.
Để tiến hành nghiên cứu, Ohba đã đọc những báo cáo trước đây về bọ nước. Tại Nhật Bản, 4 loài bọ nước bản xứ, bao gồm Kirkaldyia deyrolli, là động vật săn mồi hàng đầu ở những cánh đồng lúa và đầm lầy. Năm 2011, Ohba báo cáo quan sát đầu tiên về bọ nước khổng lồ săn rùa.
Tùy theo kích thước, loài bọ màu nâu này có thể hòa lẫn vào cây cối nơi chúng đang đậu, treo ngược mình và thở qua phần "ống" nhô ra từ phía sau. Khi con mồi tới gần, chúng nhanh chóng tóm chúng bằng những chiếc chân dài. Sau đó, bọ nước dùng phần vòi sắc như dao găm để xé xác con mồi, bơm enzyme tiêu hóa và có thể cả chất hóa học gây mê.
Theo ông Ohba, vũ khí của loài sinh vật này là vết cắn chứa nọc độc mà chúng dùng để đánh bại con mồi. Có một số trường hợp bọ nước đã cắn người, gây ra sự đau đớn có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ.
Theo Swart, giới nghiên cứu chưa biết chính xác thứ gì cấu tạo nên chất độc của bọ nước và liệu chúng thực sự có độc hay không. "Chúng phá hủy mô và hút chất dịch. Ở con mồi lớn, quá trình có thể kéo dài vài giờ. Trong lúc đó, nạn nhân có thể còn sống", Swart nói.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn: Loài động vật nào ngủ 22 tiếng mỗi ngày, được mệnh danh loài vật lười nhất thế giới
Phong Linh (dịch)