Bạch tuộc là một sinh vật phức tạp đáng ngạc nhiên với 500 triệu tế bào thần kinh trên đầu và thân, có khả năng lập kế hoạch, suy diễn và tiên đoán chuyển động.
Bạch tuộc được giới khoa học nhận xét là cực kỳ thông minh, thậm chí nhiều người cho rằng chúng là một sinh vật có khả năng giao tiếp và nhận thức.
Một minh chứng được cách nhà khoa học phát hiện ra rằng những con bạch tuộc ở Indonesia sẽ tập hợp vỏ dừa để chuẩn bị cho thời tiết mưa bão, sau đó tìm nơi trú ẩn bằng cách vào bên trong hai mảnh vỏ và đóng chúng lại.
Vậy điều gì làm cho những sinh vật biển thông minh này có thể thích nghi tuyệt vời đến vậy? Câu trả lời có thể nằm trong máu của chúng.
Theo How Stuff Works, hemocyanin - sắc tố khiến máu bạch tuộc có màu xanh, là yếu tố giúp loài động vật này tồn tại ở môi trường nhiệt độ khắc nghiệt. Hemocyanin là protein chứa các nguyên tử đồng (Cu) liên kết với một số lượng tương đương nguyên tử oxy (O). Đây là thành phần trong huyết tương máu của động vật không xương sống.
Hemocyanin mang màu xanh liên kết với oxy trong máu, vận chuyển oxy đi khắp cơ thể bạch tuộc để nuôi dưỡng các mô. Bạch tuộc có ba trái tim và cần oxy nhiều hơn hầu hết động vật không xương sống khác. Do đó, hemocyanin giúp bạch tuộc có một nguồn cung cấp oxy ổn định, ngay cả khi không có nhiều oxy trong môi trường sống.
Hemocyanin đảm bảo cho sự sống còn của bạch tuộc tại môi trường có thể gây tử vong cho nhiều sinh vật khác, từ nơi băng giá có nhiệt độ khoảng -1,8 độ C đến các lỗ thông nhiệt siêu nóng dưới đáy đại dương.
Máu của các loài động vật có vú, bao gồm con người, có màu đỏ vì nó chứa một loại protein giàu chất sắt gọi là hemoglobin.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn “chúa tể đầm lầy” có thể tự chữa khỏi vết thương của mình
Phong Linh