Chim đinh viên - Chim bowerbird còn được biết đến với tên gọi khác là chim xanh, chim phòng the. ... là loài chim đặc hữu trong các khu rừng nhiệt đới ẩm ướt của miền đông nước Úc.
Chim bowerbird có bộ lông màu xanh đen, ánh kim, trọng lượng khoảng 250g - 300g với chiều dài thân từ đầu đến đuôi khoảng 30cm. Chim bowerbird ăn trái cây, đôi khi chúng cũng ăn côn trùng.
Tại sao loài này lại được mệnh danh là “Thánh tán gái”. Đó là bởi, mỗi khi mùa giao phối đến, những con trống sẽ xây tổ đẹp nhất để hấp dẫn bạn tình. Tổ của loài chim này được trang trí bằng những vật thể lạ và nhiều màu sắc như miếng thủy tinh xanh lá cây, đồ chơi bằng nhựa, cành lá, hoa, sợi len và sợi kim tuyến…
Tổ chim có thể cao đến 1 m với đường kính 1,5 m. Chim đực thường xây lối vào hoặc bãi cỏ trước tổ bằng những bông hoa và trái cây màu sắc tươi sáng. Cửa tổ sẽ xây hướng nam để đón nắng và thoáng gió. Khi những hoa và quả trước cửa khô, con chim sẽ kiếm thứ khác về thay thế. Để thu thập nhiều vật liệu trang trí, chim thậm chí còn ăn trộm đồ của tình địch.
Khi chim cái tới, chúng sẽ biểu diễn màn mở đầu bằng nhiều cách khác nhau như dạo quanh tổ của mình để khoe vẻ đẹp của ngôi nhà hay vừa thực hiện điệu nhảy, vừa tạo ra những tiếng gọi khò khè từ cổ họng để nỗ lực quyến rũ con cái.
Tổ của chim đực chỉ dùng vào mục đích tán tỉnh bạn tình. Sau đó, con chim trống sẽ nhượng lại cho con mái. Ngôi nhà để sinh con sau này sẽ do chim mái tự xây trên khoảng đất trống hoặc trên cây cách tổ chim đực xây không xa. Trong thời gian sinh sản, chúng sẽ không sống chung. Chim mái một mình nuôi con và con trống lại tiếp tục công việc xây tổ khác.
Theo phân tích khoa học, não bộ của loài Bowerbird có khả năng thực hiện các suy nghĩ tính toán, kết hợp với tư duy phối cảnh và chọn lựa màu sắc trong hội họa. Chính bởi thế, dưới góc nhìn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, chim bowerbird có thể tạo nên một chiếc tổ tuyệt đẹp, đạt độ chuẩn xác về phối cảnh cũng như thẩm mỹ.
Đáng kinh ngạc hơn, "thánh tán gái" trong thế giới loài chim còn thực sự thuần thục một số thủ thuật không gian. Theo The Guardian, John Endler của Đại học Deakin và các đồng nghiệp của ông đã báo cáo rằng những con đực sử dụng ảo ảnh thị giác khi xây dựng tổ. Chúng biết áp dụng luật xa gần khi trang trí các vật thể theo thứ tự lần lượt: vật lớn đặt xa và vật nhỏ đặt gần. Vị trí xa gần được tính toán phù hợp với vị trí của các con chim cái đang nằm trong phạm vi tán tỉnh của chim đực.
Endler và các đồng nghiệp đã thay đổi các vật trang trí trong tổ, đảo lộn vật nhỏ ra xa và vật lớn lại gần và thấy rằng những con chim sắp xếp, khôi phục lại mẫu như ban đầu. Các nhà nghiên cứu không chắc chắn về chức năng của ảo ảnh, nhưng suy đoán rằng điều đó rất quan trọng đối với việc lựa chọn bạn đời của con cái. Hiện tại họ đã thử nghiệm giả thuyết này và kết quả của họ vừa được công bố trên tạp chí Science.
Mặt khác, bowerbird cũng rất tinh tế trong việc chọn lựa các vật thể dùng để trang trí lên chiếc tổ của chúng. Bowerbird có màu sắc ưa thích là màu xanh lam (blue) nhưng chúng không ngại dùng những vật mang màu sắc khác vào công việc trang trí. Những đám lông màu sắc, quả mọng, vỏ cây hoặc hoa lá, dù trang trí bằng loại vật liệu nào, chim bowerbird vẫn luôn cho thấy chúng xứng đáng là bậc thầy phối màu trong giới động vật.
Sau khi dày công tạo nên tổ ấm hoàn hảo, các chú chim đực rất kiên nhẫn trong việc chờ đợi các chim cái tới giao phối. Thực tế, các chim đực cũng không phải chờ đợi quá lâu. Thật khó để các chim cái có thể cưỡng lại được vẻ đẹp của chiếc tổ một khi chúng đã nhìn thấy. Thông thường, chim cái sẽ mau chóng tự nguyện bay vào tổ ấm để thực hiện giao phối với bạn tình.
Qua quá trình theo dõi bowerbird, các nhà khoa học thừa nhận những con đực của loài này xứng danh là những quý ông quyến rũ nhất hành tinh. Những phẩm chất tính cách của chúng như nhẫn nại, tinh tế và chu đáo, đều là những phẩm chất có sức hấp dẫn đặc biệt.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn hà mã nắm giữ "vũ khí" gì khiến “sát thủ đầm lầy” e ngại?
Phong Linh