Hiện tượng brinicle, hay còn gọi là "ngón tay tử thần", là một khối nước mặn cực lạnh chìm xuống đáy biển, khiến nước biển xung quanh đóng băng theo, theo Live Science. Dù được phát hiện lần đầu vào những năm 1960, phải tới năm 2011 đoàn quay phim BBC của Anh mới ghi lại được hiện tượng kỳ thú này tại đáy biển Nam Cực.
Theo Bruno Escribano, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Toán ứng dụng Basque ở Tây Ban Nha, quá trình hình thành brinicle diễn ra khi nước biển đóng băng ở Nam Cực và Bắc Cực.
Khi băng được hình thành, các tạp chất như muối bị đẩy ra ngoài, khiến cho bằng trở nên tinh khiết hơn. Đây cũng là lý do tại sao băng được tạo ra từ nước biển không mặn như chính nguồn nước đã tạo ra nó.
Khi muối bị đẩy ra khỏi khối băng, nước xung quanh khu vực đó sẽ trở nên mặn hơn, làm giảm nhiệt độ đóng băng và tăng mật độ của nước. Chính điều này đã ngăn cho dòng nước xung quanh không bị đóng băng ngay tại thời điểm đó dù đã có nhiệt độ rất thấp. Đồng thời, mật độ nước cao khiến chúng bị chìm xuống dưới đáy.
Khi dòng nước mặn này chìm đến vùng nước biển ấm hơn bên dưới, nước xung quanh dòng nước mặn này sẽ bị đóng băng, tạo nên những "cột băng tử thần" mà chúng ta được biết đến với tên gọi brinicle.
Theo BBC, lớp băng bên ngoài hoạt động như một lớp màng ngăn không cho dòng nước mặn và lạnh tiếp xúc với nhiệt độ của vùng nước biển bên ngoài, khiến cho cột băng không ngừng kéo dài ra và xuống sâu hơn dưới đáy biển.
Khi cột băng này chạm tới đáy biển, cơn lạnh thấu xương của brinicle sẽ càn quét tất cả sinh vật trong một khu vực đáy biển rộng tới hàng kilomet vuông, đóng băng và tiêu diệt tất cả sinh vật trên đường đi của nó.
Tuy nhiên, nạn nhân của brinicle thường chỉ là những loài sinh vật bé nhỏ và chậm chạp dưới đáy biển như nhím và sao biển. Những loài động vật có thân hình to lớn như hải cẩu thì lại không bị ảnh hưởng bởi brinicle, thậm chí chúng còn có khả năng phá hủy những cột băng này.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn cách cá mập “trinh nữ” lưu giữ tinh trùng suốt 4 năm để sinh con?
Phong Linh