Rosalía Lombardo qua đời năm 1920 khi mới 2 tuổi vì căn bệnh viêm phổi. Cha của cô bé quá đau buồn vì sự ra đi của con gái nên đã nhờ Alfredo Salafia - một chuyên gia về ướp xác kiêm thợ nhồi bông thú nổi tiếng tại thành phố Palermo, Italy với hy vọng có thể bảo quản xác con gái.
An nghỉ trong hầm mộ Catacombe Dei Cappuccini bên dưới một tu viện của Palermo, Rosalia vẫn giữ được những nét trẻ thơ với gò má nhỏ hơi phúng phính, hàng mi khép hờ và trên đầu cột một chiếc nơ lụa quanh búi tóc mây vàng.
Nội tạng bên trong thi thể vẫn còn nguyên vẹn, khiến Rosalia trở thành một trong những xác ướp được bảo quản tốt nhất trên thế giới.
Xác ướp của Rosalia Lombardo là một trong những xác ướp cuối cùng được đưa vào hầm mộ Cappuccini, Italy, nơi có khoảng 8.000 xác ướp đang được bảo quản. Nhanh chóng, Rosalía Lombardo trở nên nổi tiếng toàn cầu. Mỗi năm, có hàng ngàn du khách tới đây để chiêm ngưỡng một "kiệt tác" ướp xác.
Không ít du khách đã có những giây phút rợn tóc gáy khi chứng kiến Rosalia khẽ chớp mắt. Điều kỳ lạ nằm ở chỗ, đôi mắt của Rosalia, cũng giống như những phần khác trên cơ thể, cứng như hóa đá trong quá trình ướp xác.
Hiện tượng này trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi qua nhiều năm. Một số báo cáo lưu lại bằng chứng qua hình ảnh và video cho thấy đôi mắt của xác ướp Rosalia mở rồi lại nhắm nhiều lần trong ngày.
Có người cho rằng nhiệt độ dưới hầm mộ thay đổi, tạo hiệu ứng đóng mở cho mi mắt của Rosalia.
Tuy nhiên, Dario Piombino-Mascali, một nhà nhân chủng học, đưa ra một giả thuyết hoàn toàn khác. Ông tin rằng đôi mắt biết chớp của Rosalia chỉ là một ảo ảnh quang học, được hình thành khi những tia sáng rọi qua cửa sổ và chiếu tới quan tài dưới một góc nhất định. Khi hướng của ánh sáng thay đổi, Rosalia trông như mở rồi lại nhắm mắt nhiều lần trong ngày.
Đến năm 2009, Dario có cơ hội quan sát đôi mắt của Rosalia rõ hơn, do công nhân bảo tàng vô tình xê dịch thi thể của cô bé khi chuyển quan tài. Thực tế, đôi mắt của Rosalia chưa từng khép chặt.
Đặc biệt, ông còn khôi phục lại công thức ướp xác thông qua các thành viên gia đình Alfredo. Theo đó, hợp chất để ướp xác bao gồm formalin, muối kẽm, rượu, axit Salixilic và glycerin.
Dario chia sẻ rằng, formalin giúp tiêu diệt mọi loại vi khuẩn, glycerin duy trì độ ẩm nhất định còn axit sẽ ngăn chặn nấm mốc phát triển.
Tuy nhiên, thành phần kỳ diệu nhất chính là kẽm khi nó giúp cho cơ thể không bị phân hủy, trông như thể một bức tượng sáp.
Bức màn về xác ướp “người đẹp ngủ trong rừng” được vén, những câu chuyện thêu dệt về xác ướp bé gái cũng dừng lại. Tuy đã phần nào không còn mang màu sắc kỳ bí nhưng xác ướp Rosalia vẫn luôn là tâm điểm với khách tham quan hầm mộ tại Palermo.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn vòng tròn xương ma mút mới được phát hiện ở Nga
Phong Linh (t/h)