Rối loạn trầm cảm theo mùa- căn bệnh nhiều người đang mắc phải. Phần lớn những người mắc căn bệnh này ở độ tuổi 18- 30, họ luôn sống trong cảm giác mông lung, mơ hồ, không biết vì sao mình buồn chán.
Rối loạn trầm cảm đến mức tự sát
BS.Đinh Hữu Uân, bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho hay, đã từng điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Ng. (Hà Nội). Trong mấy tháng mùa đông, chị Ng. liên tục rơi vào trạng thái lo âu, bực bội mặc dù công việc suôn sẻ, cuộc sống gia đình đang rất hạnh phúc. Nhiều lúc nghĩ vẩn vơ, chị Ng. gần như thức trắng đêm với những nỗi sợ hãi mơ hồ. Không những thế chị Ng. có biểu hiện chán ăn, khó tập trung vào bất kỳ việc gì và đôi khi cáu gắt với chồng con vô cớ.
Suốt hơn 3 tháng sống trong tâm trạng u u mê mê, chị Ng. gần như trở thành con người hoàn toàn khác, chị lâm vào trạng thái chán chường và sớm mắc chứng trầm cảm. Không dừng lại ở đó, chị Ng. đã hai lần tìm đến cái chết nhưng bất thành.
“Những người mắc bệnh rối loạn trầm cảm theo mùa thường có biểu hiện giống bệnh nhân Ng. là sức khỏe giảm sút, mệt mỏi, khó tập trung, hay cáu gắt, thay đổi thói quen ăn uống, chán ăn (có trường hợp ăn ngấu nghiến đặc biệt thèm muốn đồ ngọt hoặc thức ăn có nhiều tinh bột, tăng cân)…. Nếu những bệnh nhân mắc rối loạn trầm cảm theo mùa không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ rơi vào tình trạng trầm cảm nặng và có những hành vi tiêu cực như ngộ sát, hoặc gây nguy hại đến người xung quanh”, BS.Uân nói.
Vị bác sĩ chuyên khoa tâm thần này cho hay, những người mắc chứng rối loạn trầm cảm theo mùa có thể không biểu hiện mọi triệu chứng trên. Chẳng hạn mức năng lượng có thể bình thường trong khi sự thèm muốn các thức ăn giàu carbohydrate lại rất mãnh liệt. Đôi khi một triệu chứng có thể trái ngược với lệ thường, như sút cân đối lập với sự tăng cân.
Ở một số ít trường hợp, sự tái phát hàng năm xảy ra vào mùa hè thay vì mùa thu hay mùa đông, có thể nằm ở sự phản ứng với nhiệt độ, độ ẩm cao. Trong thời kỳ này, chứng trầm cảm thường được đặc trưng bởi sự mất ngủ, giảm cảm giác thèm ăn, sút cân và bối rối, lo âu.
Trường hợp của bệnh nhân Ng. không phải hiếm gặp, BS. Đinh Hữu Uân đã từng điều trị cho nhiều bệnh nhân “không bình thường” khi thời tiết chuyển mùa. Trong những tháng mùa thu và mùa đông, một số người mắc phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm, xuất hiện từ từ hay đột ngột. Những triệu chứng này thường thuyên giảm khi mùa xuân đến và tiêu tan qua những tháng hè.
“Các triệu chứng rối loạn cảm xúc theo mùa thường xuất hiện trong mùa thu và mùa đông, khi có sự tiếp xúc ít hơn với ánh sáng mặt trời vào ban ngày. Các triệu chứng trầm cảm có thể từ nhẹ đến trung bình, cũng có thể trở nên nghiêm trọng”, BS. Uân khuyến cáo.
Kể về trường hợp bệnh nhân Ng., BS. Uân bật mí, sau một liệu trình điều trị, chị Ng. dần cân bằng được cảm xúc của mình. Bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân Ng. uống thuốc chống trầm cảm và liệu pháp ánh sáng (cho bệnh nhân tiếp xúc với nguồn sáng huỳnh quang đặc biệt) 30 – 90 phút mỗi ngày.
Trường hợp chị Ngô Ngọc H. (Hưng Yên) là một trong những bệnh nhân điển hình của căn bệnh rối loạn trầm cảm theo mùa. Chị H. vốn là nhân viên văn phòng, làm việc 8 tiếng đồng hồ trong phòng kín nên lúc nào trong người cũng cảm thấy bực bội, nhất là những ngày thời tiết u ám. Khi những cảm xúc tiêu cực lấn át, chị H. không điều chỉnh được và thường xuyên bị đau đầu. Liên tục rơi vào cảm giác “sợ hãi mơ hồ”, chị H. đã đi khám và được tư vấn hướng điều trị.
“Ngay khi bệnh nhân H. đến khám, chị này chia sẻ thường xuyên nhận thấy những thay đổi về tâm trạng trong giai đoạn thời tiết âm u kéo dài, tôi đã nhận thấy những dấu hiệu điển hình của rối loạn trầm cảm theo mùa. Tuy nhiên, những biểu hiện của bệnh nhân H. ở thể nhẹ (nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ rơi vào tình cảnh như bệnh nhân Ng.-PV).
Với bệnh nhân H. chỉ cần tăng thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể cải thiện các triệu chứng của rối loạn cảm xúc. Điều này có thể thực hiện bằng cách đi ra ngoài dạo bộ trong khoảng thời gian dài hoặc thay đổi chỗ làm việc hướng về phía nhiều ánh nắng”, BS.Uân thông tin.
Rối loạn trầm cảm theo mùa có thể khởi phát ở bất cứ lứa tuổi nào, có tính chất chu kỳ rõ rệt. Những tháng khó khăn nhất đối với những người bị rối loạn cảm xúc theo mùa thường là tháng 1 và tháng 2.
Khi người bệnh qua khỏi mùa bị ảnh hưởng, họ lại có sức khỏe tâm lý như bình thường. Với các triệu chứng trầm cảm nặng, ảnh hưởng một cách rõ rệt đến cuộc sống hàng ngày, họ sống trở nên tiêu cực. Thế nên, liệu pháp ánh sáng (phototherapy) là một lựa chọn điều trị hiệu quả mà các bác sĩ áp dụng với bệnh nhân rối loạn trầm cảm theo mùa.
“Bóng tối” tăng lên, người trầm cảm càng suy nghĩ tiêu cực
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều trị cho bệnh nhân rối loạn trầm cảm, BS.Uân nhận định, rối loạn trầm cảm theo mùa được gắn với sự mất cân bằng sinh hoá trong bộ não được thúc đẩy bởi sự rút ngắn thời gian có ánh nắng ban ngày và thiếu ánh mặt trời vào mùa đông.
Cũng giống như ánh nắng mặt trời ảnh hưởng đến các hoạt động theo mùa ở loài vật, rối loạn cảm xúc ở con người có thể là từ tác động của sự thay đổi ánh sáng theo mùa. “Khi các mùa thay đổi, con người trải qua một sự chuyển đổi về đồng hồ sinh học nội tại hay nhịp sinh học gây ra cho họ sự lạc bước khỏi thời gian biểu hàng ngày của mình”, BS.Uân giải thích.
Các chuyên gia cảnh báo, Melatonin, một nội tiết tố có liên quan đến giấc ngủ, cũng được gắn với rối loạn cảm xúc theo mùa. Nội tiết tố này (vốn liên kết với bệnh trầm cảm) được sản xuất khi cấp độ bóng tối tăng lên. Khi ngày ngắn hơn và tối hơn, melatonin được sản xuất nhiều hơn.
“Rối loạn trầm cảm theo mùa có thể bị chẩn đoán nhầm thành chứng nhược giáp, hạ đường huyết, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng và các nhiễm trùng vi-rút khác. Vì thế, khi có những biểu hiện buồn chán, cáu giận vô cớ, sức khỏe giảm sút, khó tập trung…, bạn cần có sự giúp đỡ của một chuyên gia y tế lành nghề để chẩn đoán đúng bệnh”, BS. Uân lưu ý.
Hương Lan