Nọc độc rắn là loại vũ khí gây chết người, nó hoạt động theo cơ chế gây loạn thần kinh, đặc biệt là cơ quan kiểm soát việc hô hấp và tuần hoàn, dẫn đến co rút cơ bắp, nôn ói, co giật và tê liệt. Không những vậy, nọc độc còn tác động lên máu hay mạch máu, phá hủy tế bào máu, gây xuất huyết hoặc làm đông máu khiến nạn nhân chết do tắc mạch. Ngoài ra, nọc rắn tấn công và hủy hoại mô cơ, gây hoại tử và bội nhiễm.
Tuy nhiên, y học đã dùng nọc rắn để chế tạo huyết thanh kháng nọc, chữa cho những người bị rắn cắn. Khoảng 400 loài rắn có nọc độc và huyết thanh chế từ loài nào chỉ chữa được cho người bị loài rắn đó cắn. Hiện gần 100 quốc gia đã chế tạo trên dưới 200 loại huyết thanh. Việt Nam đã điều chế thành công loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, lục tre, hổ chúa và chàm quạp.
Nọc rắn còn được dùng chế các thuốc giảm đau, chống viêm trong thấp khớp, đau cơ, đau dây thần kinh... dưới dạng tiêm hay thuốc mỡ.
Nọc rắn độc hổ mang ở Brazil có chất captopril gây hạ huyết áp rất nhanh khiến con mồi bủn rủn, tê liệt. Các nhà khoa học đã mô phỏng và chế tạo được chất này để chữa trị bệnh tăng huyết áp.
Loại nọc độc làm đông máu được ứng dụng chế tạo thuốc cầm máu, chống chảy máu nội tạng.
Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha tin rằng rắn hổ mang chúa chết người có khả năng chữa khỏi bệnh ung thư. Kết quả nghiên cứu của nhóm đã được công bố trong ấn bản mới nhất của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS).
Các nhà khoa học đã nghiên cứu về cách sử dụng độc tố của rắn hổ mang. "Rắn độc đã phát triển các tuyến biến đổi một số gen nhất định thành độc tố, sau đó biến thành nọc độc", Juan Jose Calvete, thành viên Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha cho hay.
"Hiểu được cơ chế biến protein thành chất độc trong tương lai có thể cho phép chúng tôi sao chép quy trình trong phòng thí nghiệm. Sau đó chúng tôi có thể sửa đổi quy trình để chất độc chữa được bệnh", Juan Jose Calvete cho hay.
Nọc độc của rắn hổ mang chúa và các loài rắn độc khác có chứa các protein như disintegrin, hoạt động như các chất ức chế ngăn chặn sự lây lan của các tế bào ung thư.
"Vẫn còn quá sớm để nói rằng nọc độc có thể chữa ung thư, nhưng chắc chắn nó có thể làm chậm sự lan truyền của các khối u", Calvete nói với nhật báo El Mundo của Tây Ban Nha.
Ngoài ra, thuốc giảm đau điều chế từ nọc độc của hổ mang chúa có hiệu quả cao gấp 20-200 lần so với morphin.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn: Rắn có thể tự giết chính mình bằng nọc độc của nó không?
Phong Linh