Giải mã bí ẩn ở khu rừng liêu trai giữa Đà thành

Giải mã bí ẩn ở khu rừng liêu trai giữa Đà thành

Thứ 4, 03/07/2013 14:59

"Làng tôi nước mắm Nam Ô, nếm chút mê say, biển xanh hương muối mặn mà, gừng cay nhắn với ai ơi nhớ về cội nguồn…". Nam Ô đã đi vào trong âm nhạc bình dị như vậy, nhưng khách đến đây ít ai biết về những lời nguyền liêu trai về khu rừng mang tên "Rú Cấm".

"Rừng" giữa phố

Chúng tôi từ trung tâm TP.Đà Nẵng xuôi theo quốc lộ 1A khoảng 20 km về hướng Bắc qua cây cầu Nam Ô để tìm đến làng Nam Ô. Làng Nam Ô xưa nay là một phần khu dân cư của  phường Hòa Hiệp Nam (TP. Đà Nẵng) có lịch sử hơn 700 năm. Những ai đã từng đặt chân qua Đà Nẵng thì đều biết đến sự thơm ngon đặc biệt của nước mắm Nam Ô, cố gắng mua một ít để mang về làm quà cho người thân, bạn bè. Câu ca dao "Nước mắm Nam Ô, cá rô Xuân Thiều" càng khẳng định thêm sự nổi tiếng của thứ đặc sản này.

Miền trung - Giải mã bí ẩn ở khu rừng liêu trai giữa Đà thành

"Lá phổi xanh" giữa lòng thành phố

Làng Nam Ô không chỉ nổi tiếng với nghề làm nước mắm mà còn có những di chỉ cổ kính hàng trăm năm tuổi như: Sáu ngôi giếng vuông cổ 300 năm tuổi là nguồn cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho cả làng vào những tháng mùa khô; mộ của vị tiền hiền 700 năm tuổi, 42 bộ xương cá ông cùng sắc phong của vua Thiệu Trị - nhà Nguyễn với dòng chữ "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần" vẫn được giữ gìn cẩn thận.

Nằm phía cuối làng, trên bãi đá ghồ ghề bạc màu nổi lên một bán đảo mà người dân nơi đây gọi là Mũi Hạc - Hòn Phụng. Nơi này với cây cối um tùm rậm rạp nhô thẳng ra phía biển, như một vòng tay ôm lấy mạn phía bắc của làng. Đó chính là khu rừng Núi Cấm hay "Rú Cấm" mà người dân làng Nam Ô thường gọi cùng những lời đồn liêu trai về khu rừng nằm giữa lòng phố này.

Theo các cụ già trong làng thì cái tên Núi Cấm có từ thời Nguyễn. Ban đầu, núi này được đặt theo tên gọi của làng thường gọi là núi làng Hoa Ổ. Nhưng do thời vua Thiệu Trị vì tránh kị húy tên gọi của mẹ vua là Tá Thiên Nhân hoàng hậu (tước vị được phong sau khi mất) húy Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng là người có công sinh hạ hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị) nên đọc chệch đi thành Hóa Ổ. Sau cái tên Hóa Ổ, Núi Cấm còn gắn với nhiều cái tên khác như rừng Ái Ân, hay như núi Nam Ô theo cách gọi của người Pháp, nhưng thông dụng nhất là cái tên Rú Cấm. Nghe qua cái tên Rú Cấm khiến rất nhiều người tò mò suy nghĩ.

Có nhiều lời đồn liêu trai, ma mị về khu rừng này. Ví dụ như chỉ cần đặt chân lên Rú Cấm mà không "xin phép cô" thì khi về sẽ bị quở. Nếu lên rú chặt cây đốn củi mà không thành tâm cầu xin "cô", nhẹ thì xây xát chấn thương cả người, gãy chân gãy tay. Các cụ già ở vùng này còn nhớ rõ từng chi tiết về cái chết của những kẻ lâm tặc năm nào, khi không tin vào những lời nguyền cả gan lên núi đốn cây. Những thân cây to trên núi lần lượt ngã xuống. Khi những kẻ này tìm cách đưa những khúc gỗ đã xẻ rời khỏi núi, thì những khúc gỗ bất ngờ đè trọn thân người của kẻ cầm đầu nhóm lâm tặc dù ở đây không có những sườn núi dốc ấy. Sau vụ này, đám lâm tặc không dám trở lại rừng lần nữa.

Miền trung - Giải mã bí ẩn ở khu rừng liêu trai giữa Đà thành (Hình 2).

Ông Trần Ngọc Vinh đang lật giở những trang sử về Rú Cấm.

Giải mã lời nguyền về "Rú Cấm"

Những câu chuyện huyễn hoặc của cư dân nơi này khiến chúng tôi tò mò và muốn tìm hiểu. Trao đổi với nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Dung, ông cho biết đó chỉ là những lời đồn thiếu căn cứ mà thôi. Theo ông cái tên Núi Cấm có từ khi mọi người trong hội đồng làng Nam Ô xưa đề ra lệnh cấm mọi người trong làng và người ở nơi khác không được đến đây chặt cây, đốn củi đánh bẫy các loại chim về đây cư ngụ, không hề có một lời nguyền hay một truyền thuyết nào cả.

Lệnh cấm đó đã được các cụ phụ lão hương thân, cùng bà con nhân dân trong làng đồng ý đưa vào hương ước, quy ước văn hóa của làng. Theo ông Đặng Dung thì dưới chân Mũi Hạc - Hòn Phụng nơi có Rú Cấm là nơi ngày xưa tướng Nguyễn Khắc Chung, sau khi cướp công chúa Huyền Trân trên dàn hỏa thiêu của Champa, chạy đến đây thì không còn đường thoát thân. Bị giặc bao vây tứ bề, ông đã cùng các dũng tướng thân cận mở đường máu, dùng thuyền đưa công chúa Huyền Trân vượt biển trở về Đại Việt. Số còn lại ở lại nhằm chặn các mũi tiến công của quân Champa.

Sau này khi mở rộng bờ cõi, các vua nhà Lê đã cho lập miếu thờ nhằm tưởng nhớ công lao của những vị hiền thần đi trước. Ngày nay do sự tàn phá của chiến tranh, dịch họa, những vết tích cuối cùng của ngôi miếu năm nào nay không còn nữa. Cũng theo ông Dung, trong hương ước của làng cũng quy định những ai làm trái, lên rừng chặt cây đốn củi thì sẽ bị làng phạt rất nặng. Mọi người trong làng nếu ai phát hiện có người lên rú chặt cây thì sẽ báo động để cho mọi người trong làng được biết để ngăn chặn kẻ phá hoại rừng. Ông kể, không biết bao nhiêu lần khu rừng che chở cho ngôi làng Nam Ô khỏi bão tố.

Theo ông Trần Ngọc Vinh, người đang gìn giữ những phần còn lại của quyển "Nam Ô du hí" (một quyển sách sử địa phương ghi lại các thời kì lịch sử của địa phương-PV) thì từ khi lập làng đến nay, và đặc biệt là từ khi có lệnh cấm dân làng Nam Ô không được lấy gỗ trên Núi Cấm, thì chỉ có hai lần dân làng nên núi chặt cây với sự đồng ý của cả làng. Đó là lần tu sửa Lăng Ông thờ cá voi và Dinh Âm của làng bị tàn phá nặng nề do thiên tai. Mọi người mới lên núi lựa chọn những cây gỗ phù hợp với mục đích sử dụng mang xuống để tu sửa cho các công trình phục vụ tâm linh của mọi người trong làng.

Theo trí nhớ của ông Vinh cùng những lời ông nghe được cha mình cũng như các cụ  cao tuổi trong làng kể lại, trong những năm chiến tranh,  đặc biệt những năm  1968 - 1972, nơi đây cũng bị các loại máy bay của Mỹ quần thảo không biết bao nhiêu lần. Ngày đó, nhiều ngôi nhà trong làng bị bom Mỹ tàn phá tan hoang nhưng kỳ lạ thay không một mảnh bom đạn nào tìm đến "Rú Cấm". Cả làng dù thiếu gỗ để làm mới, sửa nhà, nhưng không ai nhắc đến việc chặt cây trên rú khai thác gỗ.

Cũng nhờ vậy mà Núi Cấm được dân làng canh giữ và bảo vệ rất cẩn thận, tạo nên một lá phổi xanh che chở cho ngôi làng chài giữa lòng thành phố này từ bao đời nay.                   

Nơi lưu giữ lịch sử văn hóa Đại Việt - Champa xưa

Nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Dung cho biết, "Rú Cấm" là một quần thể thực vật gồm nhiều cây gỗ quý thuộc nhóm 2-3, có diện tích khoảng 4 ha, phủ xanh Mũi Hạc - Hòn Phụng. Giữa ngày hè oi bức nhất khi bước chân lênh đỉnh cao nhất, của "Rú Cấm" (khoảng 50m) so với mực nước biển, khiến bạn muốn khoác lên mình chiếc áo khoác mỏng, bởi không khí mát mẻ ở đây. “Rú Cấm” còn là nơi thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa Đại Việt - Champa xưa, khi ở đây vẫn giữ được ngôi mộ cổ hơn 700 năm và một ngôi tháp Chăm.     

NGUYỄN CƯỜNG

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.