Sói là loài hoạt động theo bầy đàn, chúng có khứu giác rất nhạy và khả năng tổ chức săn mồi rất linh hoạt, cộng thêm bản tính hung ác và gian xảo, nên con mồi khi phải đối diện với chúng sẽ có cơ hội sống sót cực kỳ thấp.
Điều đặc biệt hơn cả là chúng tồn tại ở phạm vi rộng hơn và đông hơn những loài ăn thịt khác như hổ, báo, sư tử ... rất nhiều, do vậy khả năng chúng ta gặp phải chúng cũng cao hơn.
Chính vì những lý do vậy, nên mặc dù không có được sức mạnh vô song, nhưng loài sói chính là những sát thủ thực sự của rừng xanh, những kẻ ăn thịt tồn tại suốt hàng ngàn năm và chẳng bao giờ lo lắng về vấn đề tuyệt chủng.
Các loài động vật trên thế giới đều có thói quen sinh sống của mình. Chó sói là loài mãnh thú tương đối lớn, thức ăn chính là thịt, chúng chuyên săn bắt thỏ, gà rừng, các loài hươu nai, chuột, gia cầm, gia súc..., đôi khi cũng ăn một số thức ăn có tính thực vật, thậm chí còn tàn sát cả đồng loại. Sói đi thành bầy đôi khi còn có thể gây tổn thương cho người.
Trong thần thoại Hy Lạp, Roman và Nauy, giữa sói và Mặt trăng luôn có một sự liên quan mật thiết. Thổ dân châu Mỹ thì coi sói là kẻ canh gác Mặt trăng, còn tiếng hú là phương thức để gọi trăng lên vào ban đêm. Những điều đó dần dà đã trở thành một trong những nét đặc trưng của nhiều nền văn hóa, thậm chí còn là một kiến thức phổ thông mà ai cũng biết mặc dù không có bất kỳ chứng minh khoa học nào cả.
Tuy nhiên, đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sói vẫn hú như thường dù đó là đêm trăng non hay trăng tròn, thậm chí là không có trăng cũng hú.
Sói là một loài động vật đi ăn đêm. Khi trời vừa sẩm tối, bầy sói đói thường đi thành đàn để kiếm mồi, vừa đi vừa phát ra tiếng hú với âm thanh trầm thấp. Tiếng sói hú trong đêm làm người ta cảm thấy sởn tóc gáy, thực ra điều đó không phải là để dọa con người, mà là có hàm ý khác.
Tiếng kêu của động vật là tín hiệu thông tin để liên hệ giữa bầy đàn động vật. Trong các tình huống khác nhau, động vật thường sẽ phát ra tiếng kêu khác nhau. Tiếng kêu đôi khi có quan hệ rất lớn tới thói quen sinh sản. Ví dụ như loài hươu trong thời kỳ sinh sản, hươu đực thường phát ra tiếng kêu đặc biệt để tìm đôi.
Một điều thú vị hơn nữa là do mọi tiếng kêu của động vật luôn có nhiều sắc thái, nên tiếng hú thường được mô tả bằng các thước đo như âm lượng, tần suất, cường độ và thời gian. Những tiếng hú cường độ thấp nhưng thường xuyên thường là của con đực đầu đàn, trong khi đó tiếng hú có cường độ cao mà nghe như tiếng rên rỉ thì đó hẳn là thể hiện sự khuất phục.
Tiếng hú loại này cũng được dùng để thiết lập tôn ti trật tự trong việc giao phối, đối với những con sói đứng trong vị thế nhóm đầu đàn (được gọi là alpha male) thì việc hú lên một cách dữ dội có thể nghĩa là nó đang ra hiệu điều gì đó hoặc đang tìm kiếm bạn đời tiềm năng.
Là một công cụ giao tiếp hữu ích như thế tuy nhiên đôi khi tiếng hú lại gây ra những "tác dụng ngược" cho loài sói. Ví dụ như đối với một con sói bị lạc đàn chẳng hạn, chúng hú lên để ra dấu cho đàn nơi chúng bị lạc nhưng cũng vô tình thông báo cho các động vật khác luôn.
Và giả dụ như một con sư tử nào đó mà nghe được trong khi không có bầy đàn trợ giúp, thì đó có lẽ là một ngày buồn cho chú sói đơn độc ấy .
Và dám chắc rằng rất nhiều loài chó hay nhiều cá thể vẫn giữ tập tính này của tổ tiên, dù là đã được thuần hóa, được huấn luyện hay thậm chí được đặt cho một cái tên cực kỳ đáng yêu thì chúng vẫn có thể tạo ra tiếng kêu ghê rợn như thế.
Bên cạnh đó, vào thời kỳ sinh sản, sói cũng thường phát ra tiếng hú để tìm đôi. Vào thời kỳ nuôi con, ngoài sói mẹ cất tiếng hú ra, sói con khi đói cũng sẽ cất tiếng hú the thé đòi ăn.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn cầy mangut nắm giữ “tuyệt chiêu” gì để chống lại rắn độc
Phong Linh (Science ABC)