Như vậy là, sau hơn 70 năm thất truyền, thị trường tranh dân gian xuân Đinh Dậu 2017 đã ghi nhận sự xuất hiện trở lại của dòng tranh Kim Hoàng nổi tiếng xưa. Trong những bản phục dựng đó có bức tranh gà (hay còn gọi là Thần kê) cực kỳ độc đáo.
Một số chuyên gia cho rằng, đây là một trong những bức tranh nổi tiếng bậc nhất của dòng tranh Kim Hoàng. Nhưng ý nghĩa thực sự của nó như thế nào thì không phải ai cũng hiểu. PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hòa, tác giả của dự án phục hồi tranh Kim Hoàng để làm rõ những thắc mắc trên.
Thần kê chấn cửa
Thưa bà, bà có thể phân tích đặc điểm của dòng tranh Kim Hoàng để phân biệt nó với những dòng tranh khác?
Tranh Kim Hoàng (làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ, không sử dụng giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ tươi. Người ta sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy, rồi dựa vào đó để tự chấm phá màu sắc theo cảm xúc của mỗi người.
Vì thế cùng một bản khắc nhưng nghệ nhân có thể tạo ra hàng trăm bức tranh với màu sắc và cảm hứng khác nhau. Nhiều người còn cho rằng, tranh Kim Hoàng là tổng hợp những nét tinh túy từ tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống.
Trong tranh Kim Hoàng, bức Thần kê được coi là tác phẩm đẹp nhất, được chế tác tinh xảo nhất. Vậy ngoài ý nghĩa thẩm mỹ ra, nó còn ý nghĩa nào nữa, thưa bà?
Cặp Thần kê trong tranh Kim Hoàng được người xưa dán lên cửa vào ngày Tết. Bức tranh có màu sắc tươi sáng mang may mắn của mùa xuân đến nhà. Nhưng ý nghĩa thực sự của nó chính là tác dụng trấn cửa, xua đuổi ma quỷ. Trong mỗi một bức tranh gà, người ta khắc lên đó một bài thơ mang tính chất bùa chú. Người xưa tin rằng, nếu dán hai bức tranh gà Kim Hoàng ở cửa thì ma quỷ không dám đến nhà quấy phá nữa.
Bà có thể phân tích rõ hơn hai bài thơ được viết trên cặp Thần kê này?
Ở tranh thứ nhất, người xưa khắc bốn câu: "Thần kê ngũ đức thái phượng hình/Cảnh tượng côn lôn đẩu hoán thanh/Quỷ khốc thần kinh tà tẩu tán/Trần chi môn hộ thọ trường sinh". (Tạm dịch là: Con gà có 5 đức hình dáng như con Phượng/ tiếng gáy vang động tận đỉnh núi/ nghe tiếng gà gáy thì quỷ khóc, tà ma phải chạy xa/giữ cho các gia đình khỏe mạnh sống lâu).
Tranh thứ hai khắc bốn câu: "Đông phương di hiệu thực tà thần/Kim cự hoa khôi ngũ thái văn/Hộ hộ khả linh quần quỷ tỵ/Môn môn trùng khánh vạn niên thanh”. (Tạm dịch là: Mỗi khi vừng Đông mọc, mặt trời nuốt đêm tối ảm đạm cùng các loài tà ma/Con gà có cựa vàng, mào hoa và năm móng/phù hộ cho các nhà, làm cho bầy quỷ phải tránh xa/Cảnh nhà có nhiều điều may mắn, tươi tốt, vui vẻ quanh năm).
Khó nhất là phục hồi màu sắc
Bà có thể cho biết quá trình phục hồi tranh Kim Hoàng nói chung và bức Thần kê nói riêng?
Cách đây 2 năm, khi đi sưu tầm tài liệu để thực hiện triển lãm 12 dòng tranh dân gian (triển lãm này được tổ chức tháng 8/2016 bảo tàng Hà Nội) nên tôi đã nảy ra ý tưởng này. Thời gian chính thức bắt tay vào việc phục hồi thì được hơn 1 năm rồi.
Nói thật là khi bắt tay vào thực hiện dự án, tôi cũng không tin mình có thể hoàn thành được. Rất may cho tôi là trong quá trình tìm tư liệu, ngoài 2 ván in đang được lưu giữ ở bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tôi còn tìm được một cuốn sách của một nhà sưu tập văn hóa người Pháp. Trong cuốn sách đó, người ta đã in lại khoảng hơn chục mẫu tranh Kim Hoàng. Nhờ vậy mà chúng tôi có thể bắt đầu.
Theo bà, phục hồi một dòng tranh nói chung và bức tranh Thần kê nói riêng đã thất truyền hơn 70 năm, điều gì là khó khăn nhất?
Đặc điểm tạo nên thương hiệu tranh Kim Hoàng nằm ở màu sắc và đường nét. Vì thế công việc phục hồi màu sắc cho tranh là gian nan và phức tạp nhất. Tranh này có màu sắc rất sặc sỡ nên đòi hỏi kỹ thuật pha màu cao và phức tạp.
Nền tảng của nó là màu đỏ (và các biến thể màu đỏ như: cam, đỏ nhạt ...) nên cách pha thế nào để khi lên màu, tranh vừa đảm bảo độ sáng, vừa giống màu của các cụ ngày xưa là vô cùng khó khăn. Đó là chưa kể các cụ xưa toàn dùng màu tự nhiên. Tôi đã phải thực hiện rất nhiều thử nghiệm để có những màu ưng ý.
Theo bà, công việc phục hồi tranh Kim Hoàng cho tới thời điểm hiện tại đã thành công hay chưa?
Dù đã khôi phục được hơn 20 mẫu tranh nhưng để đánh giá thành công hay không, tôi tin phải mất 3 năm nữa. Bởi vì như đã nói, khôi phục được là một chuyện, còn người dân có tiếp nhận hay không lại là chuyện khác. Thời gian tới, nhiệm vụ của tôi sẽ là quảng bá tới mọi người để tranh Kim Hoàng đi vào đời sống nhân dân như thời ngày xưa nó từng làm được.
Nếu người dân đón nhận thì tranh Kim Hoàng sẽ tồn tại được. Mà tranh Kim Hoàng tồn tại được thì làng nghề tranh Kim Hoàng mới có cơ may hồi sinh. Còn nếu người dân không đón nhận thì bao công sức, tiền bạc bỏ ra để phục dựng coi như đổ sông đổ bể.
Xin cảm ơn bà
Phạm Thiệu