Vòi rồng lửa - còn được gọi là quỷ lửa hay xoáy lửa – không phải là hiện tượng hiếm. Tuy nhiên, chúng hiếm khi được ghi nhận trong các tài liệu khoa học.
Video: Vòi rồng lửa cao hơn 15 m vươn thẳng lên trời tại Anh
Vòi rồng lửa xảy ra phải có sự kết hợp của gió xoáy và nhiệt độ cao ngoài trời hoặc có chứa các khí dễ cháy. Theo lý giải của các nhà khoa học, hầu hết hiện tượng vòi rồng lửa được tạo thành do những trận cháy rừng làm thay đổi áp suất không khí phía trên.
Vòi rồng lửa gồm một lõi (nơi thực sự bốc cháy) và vùng khí xung quanh lõi. Vùng khí xung quanh luôn xoay tít và cung cấp khí oxy cho lửa. Lõi của một vòi rồng lửa điển hình thường có đường kính 0,3-0,9 m và chiều cao 15-30 m.
Theo Live Science, Jason Forthofer - một kỹ sư chuyên nghiên cứu về hỏa hoạn của Cơ quan quản lý rừng bang Montana, Mỹ cho hay: Trong những điều kiện thuận lợi, chiều rộng lõi của vòi rồng lửa siêu lớn có thể lên tới vài chục mét, còn chiều cao đạt tới hơn 300 m.
Việc không khí bốc lên trên kèm theo sức nóng lớn từ những đám cháy cuốn theo ngọn lửa lên độ vài mét. Tuy diễn ra khá phổ biến nhưng hiện tượng này hiếm khi được ghi nhận bởi ngọn lửa sẽ nhanh chóng tắt đi khi bị hút lên cao. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp ngọn lửa có thể lên cao tới 10 – 50m và tồn tại trong thời gian khá lâu. Với những trường hợp đặc biệt, vòi rồng lửa có thể đạt đến độ cao hàng km và tồn tại trong khoảng thời gian hơn 20 phút.
Khi ngọn lửa cháy bên trong tâm vòi rồng, nó hút mạnh khí oxi từ xung quanh để duy trì sự cháy. Chính vì lẽ đó, tốc độ di chuyển của gió xoáy xung quanh ngọn lửa sẽ càng nhanh và mạnh hơn.
Sức gió của vòi rồng lửa đủ sức cuốn theo những loại vật chất khá lớn, trong khi đó, nhiệt độ bên trong lõi vòi rồng lên tới hơn 1.000 độ C sẽ đốt cháy mọi thứ bị cuốn vào để duy trì ngọn lửa. Với nhiệt độ này, vòi rồng có thể đốt cháy gần như bất cứ thứ gì bị cuốn vào bên trong và biến chúng trở thành nhiên liệu duy trì cho lõi lửa.
Việc vòi rồng lửa tồn tại được trong khoảng thời gian bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ di chuyển của gió xoáy xung quanh nó. Trong trường hợp gió xoáy mạnh cuốn theo được nhiều loại vật chất vào tâm vòi rồng, ngọn lửa sẽ được duy trì lâu hơn và ngược lại.
Dù hiếm gặp nhưng sức tàn phá của vòi rồng lửa không phải chưa từng được ghi nhận. Các vòi rồng lửa có thể nhổ bật gốc các cây cao đến 15 m và thiêu rụi nó trong nháy mắt. Chúng cũng có thể mang lửa từ chỗ này đến chỗ khác khiến cho các trận cháy trở nên lớn hơn. Vì vậy không thể dập tắt được cột lửa đang di chuyển, trừ khi ngăn được nguồn cung cấp khí oxy cho nó.
Năm 1871, một vụ cháy rừng kỷ lục tại Peshtigo bang Wisconsin nước Mỹ mà nguyên nhân chính gây ra thiệt hại là một vòi rồng lửa di chuyển với vận tốc 161km/h. Cơn bão lửa này đã thiêu rụi toàn bộ nhà cửa, trung tâm thương mại và ước tính có khoảng 6 km2 đất đai bị thiêu rụi, ít nhất đã có 1.500 người thiệt mạng và rất nhiều người khác bị chôn vùi trong các đống đổ nát.
Năm 1923, một vòi rồng lửa đã giết chết 38.000 người Nhật ở Tokyo trong vòng vỏn vẹn 15 phút đồng hồ.
Tới năm 2003, người ta ghi nhận một vòi rồng lửa khác gây nên thảm họa cháy rừng lớn tại Canberra. Vòi rồng này có đường kính gần 500m, di chuyển với tốc độ 250km/h và nhiệt độ ở tâm lên tới hơn 1000 độ C.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn dòng sông kỳ lạ với màu nước “đỏ như máu”
Phong Linh