20 triệu đồng và 4 trận ngồi ngoài, đó là cái giá mà Quế Ngọc Hải phải trả cho pha vào bóng với Trần Văn Kiên (Hà Nội FC). Đôi chân của Văn Kiên vẫn còn in hằn vết giày ghê rợn, và "Ngọc Hải cần bị trọng tài phạt thẻ đỏ" - theo khẳng định của HLV Chu Đình Nghiêm. Ban tổ chức giải đã phản ứng rất nhanh với pha bóng đang khiến dư luận quan tâm, khẳng định rõ quyết tâm đẩy lui vấn nạn bạo lực sân cỏ ra khỏi đời sống V-League.
Nếu tình huống bóng này xảy ra với Quế Ngọc Hải cách đây 3 năm, sẽ không nhiều người thắc mắc, phàn nàn. Tuy nhiên, tại sao một Ngọc Hải điềm tĩnh, chững chạc và đá hiền lành ở tuyển Việt Nam lại trở về lối chơi thô bạo, máu lửa quá mức cần thiết khi trở lại V-League?
Đâu phải cứ "đá máu" mới là đá hay?
Nhiều lời xì xào, bàn tán đã xuất hiện khi Ngọc Hải được trở lại đội tuyển. Người hâm mộ đã quá quen với bộ ba Tiến Dũng - Đình Trọng - Duy Mạnh ở hàng phòng ngự xuyên suốt vòng chung kết U23 châu Á cũng như ASIAD 2018. Cả 3 cầu thủ đều đá ổn định, ăn ý và bọc lót cho nhau cực tốt. Liệu sự xuất hiện của Ngọc Hải là có cần thiết? Ngoài ra, trung vệ này đã để lại ấn tượng xấu với những pha vào bóng triệt hạ, thô bạo trong quá khứ, một trong số đó khiến Trần Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) phải vĩnh viễn giã từ sân cỏ.
Thế nhưng, Ngọc Hải đã trở lại vô cùng ấn tượng và từng bước xua tan hình ảnh bạo lực, nóng nảy trước đây. Cầu thủ người Nghệ An chơi điềm tĩnh, thông minh và chọn vị trí để cắt bóng rất ấn tượng, dù phải đá ở vai trò trung vệ lệch trái hay trung vệ thòng. Phần thưởng cho bản lĩnh và khát vọng thay đổi của Ngọc Hải là tấm băng đội trưởng ở Asian Cup - nơi một lần nữa cựu cầu thủ SLNA chơi ấn tượng, dẫn dắt đội nhà lọt vào tới tứ kết.
Fox Sports Asia từng xếp Ngọc Hải vào vị trí trung tâm hàng thủ trong đội hình tiêu biểu vòng bảng Asian Cup khu vực Đông Nam Á. Trang báo châu Á cũng ca ngợi trung vệ của Viettel là "hòn đá tảng vững chắc ở hàng phòng ngự".
Do đó, khi Ngọc Hải trở lại hình ảnh xấu xí, thô bạo trước đây, nhiều cổ động viên đã rất ngạc nhiên. Phải chăng hình ảnh hiền lành, trưởng thành ở ĐTQG chỉ là bề nổi? Khi rời xa vòng tay HLV Park Hang-seo cùng các đồng đội, Ngọc Hải đã lấy lại hình ảnh "bão tố" trong lối chơi?
Có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, ở các giải đấu quốc tế, trọng tài thường bắt khắt khe và công tâm hơn. Là đội trưởng tuyển Việt Nam, Ngọc Hải thường xuyên phải cân nhắc trước những pha vào bóng để không "sai một ly, đi một dặm", khiến đội nhà phải chơi thiếu người. Trọng tài V-League lại không được như vậy. Sự non kém của đội ngũ cầm còi khiến một cầu thủ giàu kinh nghiệm như Ngọc Hải có thể tự cho phép bản thân đá rắn hơn, tiểu xảo hơn.
Tình huống vào bóng với Văn Kiên chỉ khiến Ngọc Hải nhận thẻ vàng. Trong khi ở vòng 1, Ngọc Hải bị đuổi khỏi sân do nhận thẻ vàng thứ 2 từ tình huống để bóng chạm tay nhưng trước đó, tấm thẻ đầu tiên cũng dành cho một cú tung cước thô bạo với ngoại binh của SHB Đà Nẵng.
Thứ hai, hệ thống vận hành chặt chẽ ở tuyển Việt Nam cho phép Ngọc Hải hạn chế phải đối mặt với đối thủ trong tư thế 1:1. Trong sơ đồ phòng ngự, công việc truy cản dành cho Duy Mạnh và Tiến Dũng. Ngọc Hải chỉ huy hàng thủ và chỉ xuất hiện bọc lót sai sót cho đồng đội, đồng thời ưu tiên cắt bóng nhiều hơn. Ở Viettel, Ngọc Hải được đẩy lên đá tiền vệ trụ - vị trí đòi hỏi tranh chấp nhiều, nên xác suất để trung vệ này thêm một lần vào bóng "quá chân" là cao hơn.
Thứ ba, Ngọc Hải vẫn chưa hoàn toàn bỏ được lối đá máu lửa quá mức cần thiết. Trong tình huống tranh chấp với Văn Kiên, khi hậu vệ Hà Nội FC đã rướn người chuẩn bị chuồi bóng, Ngọc Hải không nên thực hiện một cú xoạc theo hướng vuông góc, bởi hai cú xoạc giao nhau sẽ khiến một trong hai cầu thủ chấn thương. Khi cả hai đang lao vào bóng với tốc độ cao, các cầu thủ cần hạn chế xoạc bóng, nhất là kê chân bằng gầm giày - kỹ thuật có thể mang đến thương tổn nặng nề cho đối thủ.
Hãy vào bóng có tâm
Quá khứ đầy ám ảnh khiến đội trưởng tuyển Việt Nam nhận cái nhìn khắt khe hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là một pha tranh chấp thể hiện tư duy hoang dại của bóng đá Việt Nam, là phải đá máu lửa, quyết liệt, bất chấp hậu quả để lại.
Đá bóng thì phải có "lửa", song nếu pha vào bóng đổi lấy bằng "máu" và nồi cơm của đồng nghiệp, tuyệt đối không bao giờ nên làm. Thắng một pha bóng, thua cả sự nghiệp, đó là bài học gối đầu của các cầu thủ trẻ.
"Hàng đêm, mỗi khi trời lạnh, chân trái của tôi lại nhức buốt rất khó chịu, gần như không đi nổi. Cũng đành cắn răng gắng gượng cho qua. Khi nào hết đau, tôi lại ra sân để đá chơi cho vui với anh em. Tôi thậm chí không dám đá phủi, bởi nếu người chơi không biết lại vào bóng thêm một lần nữa thì chắc hết đi nổi". Đó là những tâm sự nhói lòng của Anh Khoa với báo Tuổi trẻ. Từng là cầu thủ đầy triển vọng và được đôn lên đội 1 của SHB Đà Nẵng, nhưng sự nghiệp của Anh Khoa đã chấm dứt sau một pha vào bóng bạo lực của Ngọc Hải mà nhiều năm nữa, V-League cũng không thể quên.
Bóng đá không chỉ là câu chuyện của 22 người đàn ông cùng 1 quả bóng. Bên ngoài sân bóng, đằng sau hồi còi mãn cuộc, các cầu thủ còn có gia đình, vợ con, cha mẹ để phụng dưỡng. Bóng đá không chỉ là tranh đua, mà nó còn là cái nghề, cái nghiệp. Là cầu thủ chuyên nghiệp, bất cứ tích tắc nào trước khi thực hiện một cú xoạc bóng, hãy nghĩ việc phải giữ gìn "cần câu cơm" cho nhau.
Theo VTC