Đổ mực, bôi trầu vào mặt trẻ xấu số
Đại đức Thích Minh Tuệ - trụ trì chùa Vạn Niên, Tây Hồ, Hà Nội - kể về câu chuyện của những vết chàm, bớt ở trẻ nhỏ. Có những đứa trẻ có vết chàm ở mặt, ở chân, ở tay, ở mông, ở lưng..., tất cả đều là được đánh dấu từ tiền kiếp. Sợ nhất là nhiều người đổ chàm hẳn vào mặt cháu bé. Hành vi ác quá nên đứa trẻ đã lộn kiếp lại chính ngôi nhà đó.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lự, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là một trường hợp điển hình. Bà Lự kể về đứa cháu của bà có cái chàm to ở mặt cũng là lỗi do bà cả. Gia đình bà Lự có 5 người con nhưng chỉ có một người con trai. Bốn cô con gái lấy chồng con cái đề huề cả. Chỉ có người con trai thứ ba lại khó trong đường con cái.
Vợ chồng anh Trần Văn Biển và chị Phan Thị Sính lấy nhau 3 năm liền mà vẫn không có con. Gia đình họ cũng nhiều lần cúng bái, cầu tự để xin thần linh cho một đứa con. Đến khi chị Sinh mang thai thì cứ đến tháng thứ 8 là đẻ non hoặc là bị chết lưu thai. Lần đầu một bé trai cũng chết khi chào đời được vài phút. Lần thứ hai là bé gái xinh xắn lắm. Bà Lự bế cháu khóc rưng rưng vì đứa trẻ xinh xắn. Nhưng ở với gia đình 1 tuần thì đứa trẻ qua đời vì viêm phổi do khi sinh thiếu tháng, phổi chưa hoàn thiện.
Khi cháu gái mất, theo phong tục địa phương, bà Lự lấy lọ mực xanh của học sinh đổ vào gót chân của đứa trẻ để đánh dấu và nói: "Mong cháu đầu thai vào gia đình khác sướng hơn". Bà lo sợ đứa trẻ xấu số này không rời nhà mình mà cứ theo nhà mình mãi thì khổ.
Đến lần thứ 3, chị Sính mang thai được gần 8 tháng thì bụng đau dữ dội. Khi chị đến bệnh viện thì thai nhi là cháu gái đã chết lưu vì bị bong nhau non. Khi chị Sính còn ở viện, gia đình đưa cháu bé về quê an táng, nhưng lại không đưa về nhà mà đặt ở đầu thôn trên chiếc chiếu cũ chờ đi mua cho cháu chiếc quan tài gỗ nhỏ.
Anh Biển buồn rầu nên cũng không để ý nhiều đến đứa con đã chết. Chỉ có bà Lự vẫn ám ảnh nỗi sợ hãi về những đứa trẻ sơ sinh bị chết. Bế đứa cháu lên thay tã lót, bà phát hiện ở gót chân của đứa trẻ có vết chàm màu xanh. Bà chợt nhủ lòng, hay vẫn là đứa trẻ trước đầu thai vào nhà bà.
Bà đang khao khát có cháu nội nên khi thấy nhà liên tục bị đứa trẻ đầu thai vào thì lại trách đứa trẻ trêu chọc gia đình mình. Bà lấy miếng nước ăn trầu của mình bôi vào má của đứa trẻ để đánh dấu với tâm niệm “chàm xanh thì bỏ, chàm đỏ thì thương”. Khi chôn đứa trẻ đi rồi, bà vẫn hy vọng nó sẽ không lộn kiếp vào nhà bà lần nữa.
Ba lần sinh con mà không được bế con, chị Sính như người mất hồn. Có lúc, chị chỉ nằm khóc vì không nghĩ ông trời lại thử thách vợ chồng mình nhiều đến như vậy. Vài năm sau, chị lại đi khắp nơi cầu tự. Ai mách chỗ nào chị đến xin chỗ đó. Lần này, chị Sính có bầu và đứa trẻ sinh đủ ngày, đủ tháng. Đứa trẻ sinh ra vẫn là con gái nhưng lại có vết chàm đỏ ở má. Cả nhà chị Sính không ai hiểu vì sao cháu lại có vết chàm đó. Cả dòng họ không ai có tiền sử bệnh chàm.
Bà Lự chết đứng người khi thấy vết chàm ngày nào bà bôi lên má đứa bé kia, giờ nó lại quay về với nhà bà. Bà ân hận lắm vì chính tay bà là người bôi lên má cháu gái mình. Vết chàm khi đứa trẻ lớn có mờ đi nhưng về mùa lạnh hoặc đứa trẻ bị ốm, sốt thì nó rất rõ ràng, màu đỏ đậm nổi lên trên má của đứa trẻ.
Bà Lự thương cháu nên thường lấy tay xoa xoa vết chàm chỉ mong khi cháu lớn nó sẽ mờ đi. Đến nay, đứa trẻ ấy đã được 13 tuổi, sau đứa trẻ còn một em trai nữa. Thằng bé này có vết chàm xanh ở mông, ở lưng, khi lớn nó mờ dần và giờ không còn. Vậy mà vết chàm ở má của cô cháu gái bà Lự vẫn nổi lên như muốn trêu tức bà.
Nhiều lần ra chùa, bà Lự biết mình quá ác nên vẫn tụng kinh sám hối về việc bà đổ chàm cho cháu lại đổ vào mặt và giờ cháu của bà lại có vết chàm đỏ. Bà không dám khẳng định đây chính là đứa trẻ đầu thai lại hay là báo ứng của gia đình.
Bà Lự thương cháu nên thường lấy tay xoa xoa vết chàm chỉ mong khi cháu lớn nó sẽ mờ đi (ảnh minh họa)
Bí ẩn vết chàm định mệnh hay bệnh lý?
Còn về phần vợ chồng chị Sính, họ đưa con lên Bệnh viện Da Liễu Trung ương khám thì các bác sĩ cho biết cháu bé bị chàm. Cả gia đình không có ai bị vết chàm nên không thể do di truyền. Chị Sính kể, các bác sĩ cũng giải thích không phải do di truyền.
Khi chúng tôi hỏi về những câu chuyện thần bí về vết chàm trong luân hồi thì bác sĩ Nguyễn Thị Dung – phòng khám da liễu Phương Mai - cũng thừa nhận có nhiều vết chàm liên quan đến vấn đề tâm linh đến nay y học cũng chưa thể giải thích được nguyên nhân và cách điều trị những vết chàm này như thế nào. Người ta chỉ nói đến nó trong những câu chuyện luân hồi trong sách vở của đạo Phật.
Chị Sính từ khi nghe câu chuyện mẹ chị đổ chàm vào những đứa trẻ, chị cũng đi tìm hiểu thì nhiều người nói khi trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ tử vong, theo phong tục một vài nơi, họ vẫn đánh dấu hay làm xấu, đổ chàm để cho đứa trẻ không quay về nhà mình. Điều này như một hành động tuyệt tình với đứa trẻ, nhưng có những đứa trẻ vẫn oán hận và quay trở lại nhà mình.
Thầy Thích Đàm Thu, trụ trì chùa Linh Ứng, Hà Nội, cũng phải thừa nhận nếu đổ chàm quá ác, đứa trẻ sẽ đầu thai lại thành người trong nhà nên khi đứa trẻ tử vong, chỉ cần đánh dấu nhỏ lên chân, mông, những chỗ mà đứa trẻ không bị nhìn thấy.
Đại đức Thích Minh Tuệ kể về phong tục đổ chàm vẫn xuất hiện ở nhiều nơi để người ta xem đó là sự tái sinh. Có đứa trẻ như trường hợp nhà bà Lự thì tái sinh vào chính gia đình bà, nhưng có trường hợp đứa trẻ tái sinh vào nhà khác. Người ta nói khi chết đi, đứa trẻ gặp luồng ánh sáng tinh cha, huyết mẹ nên nhập vào tạo thành sinh linh con người. Tất cả các loài vật đều như thế, từ con trâu, con chó chết đi đều tạo thành luồng ánh sáng và khi cha mẹ giao hợp gặp luồng ánh sáng đó để tạo thành sự sống.
Theo cuốn bách khoa từ điển thế giới xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1961 thì vết chàm xuất hiện trên da của trẻ sơ sinh được gọi là vết bớt. Vết chàm hay vết bớt nằm trên da hài nhi. Trong y khoa, dấu vết ấy còn được gọi là vết cắn của thiên thần, sở dĩ gọi như vậy là do vết bớt xuất hiện khá kỳ lạ và quả thật cho đến nay khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu được thấu đáo nguyên nhân.
Ở Việt Nam, trong nhân gian thường gọi đó là vết ma cắn màu xanh, xuất hiện một thời gian rồi biến mất, nhưng những vết chàm màu đỏ thì thường không biết mất. Theo một số nhà y học, vết bớt này sở dĩ có ở hài nhi mới sinh là do người mẹ là chính, do những tác động bên ngoài cơ thể người mẹ hay tự bản thân cơ thể người mẹ đã ảnh hưởng lên thai nhi trước khi thai nhi chào đời. Những dấu vết ấy không ảnh hưởng gì lên cơ thể đứa bé và người ta có thể tẩy, xoá hoặc cắt đi bằng cách dùng kim điện để đốt hay dùng những phương thức vật lý đặc biệt.
Cho đến nay, thật sự chưa ai giải thích khác hơn về dấu vết ấy, nghĩa là sự giải thích vẫn trong vòng luẩn quẩn như: đó là vết bẩm sinh do người mẹ khi mang thai chịu ảnh hưởng của một vài tác nhân nào đó như chất thuốc uống, hoặc thuốc xức trên da người mẹ hoặc thức ăn hay một tác nhân nào khác như những xáo trộn trong sự chuyển biến cơ thể lúc còn là bao thai hay do sự lệch lạc về cấu tạo, thành lập của tế bào, nhiễm thể, gen, do bệnh lý của cha mẹ, do hiện tượng di truyền.
Theo Hôn Nhân & Pháp luật