"Nghén" thay vợ
Tôi cũng đã từng nghe những câu chuyện có vẻ nực cười như vậy từ chính người thân của mình. Đó là tâm sự của anh rể tôi trong suốt năm tháng đầu khi chị gái tôi mang bầu đứa thứ hai. Tuyệt nhiên, khi chị mang bầu đứa con đầu lòng thì không có sự gì kỳ lạ xảy ra. Nhưng chẳng hiểu sao đến lần thứ hai này, anh rể tôi lại là người liên tục kêu khó ăn, khó ở, ợ chua và thèm thịt gà. Nhà nuôi được bao nhiêu con ngấp nghé năm, bảy lạng bảo để tẩm bổ cho vợ khi biết tin chị có bầu, thì giờ hầm lên anh chén sạch ngon lành. Chị thì dửng dưng như bánh chưng ngày tết, ăn cũng được, không ăn cũng chẳng sao.
Những người đàn ông có thể hiểu được mọi cảm giác của vợ mình khi mang thai là mộthạnh phúc lớn lao của thai phụ. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Lạ một điều nữa là đáng lý người nghén ngấu, nôn ọe phải là chị vì đang mang thêm một sinh linh bé nhỏ trong người, nhưng lần này, anh rể tôi lại là người có tất cả những biểu hiện đó. Từ việc khó ăn, khó ở cho đến những biểu hiện như nôn ọe khi gặp mùi thức ăn, rồi khi hết những giai đoạn đó thì anh sinh ra thèm thịt gà đến không thể chịu nổi. Vậy là trong khi chị gái tôi mang bầu, sống bình thản, khỏe mạnh, ăn uống điều độ thì anh rể ngược lại, thất thường trong ăn uống sinh hoạt cá nhân và gầy đi một cách trong thấy. Ở làng, đi đâu mọi người cũng hay trêu đùa anh và bảo rằng: "Nghén thay vợ đấy!"
Cũng trường hợp như anh rể tôi, trên nhiều diễn đàn mạng thời gian gần đây có những câu chuyện được chia sẻ giống như là khó tin nhưng có thật. Nhiều người đàn ông cho rằng, họ đã bị nghén thay vợ mình?! Bởi trong khi vợ mang thai thì bản thân họ là chồng lại gặp phải những biểu hiện như: Chán ăn, buồn nôn, hoặc thèm một món ăn nào đó mà nếu không ăn có thể sinh ra bức xúc, cáu giận. Chỉ một cú nhấp chuột với dòng chữ "đàn ông nghén thay vợ" thì trong vòng 0.29 giây, bạn có thể có được 306.000 kết quả nói về điều này. Phần lớn mọi người chia sẻ những biểu hiện được coi là kỳ lạ của người chồng trong thời kỳ thai nghén của vợ mình.
Không có cơ sở khoa học?
Tôi vốn dĩ là một người hay ngờ vực và không có niềm tin vào những điều nhảm nhí. Cái điều biết thì muốn biết cho thật thấu đáo, còn không biết thì coi như sự hiểu biết của mình còn khiếm khuyết, cần bổ sung chứ không thể nửa vời ngờ vực, nhất lại là những chuyện theo dạng lời đồn. Bởi thế, tôi đem câu chuyện về những người đàn ông nghén thay vợ, kể cả những biểu hiện của ông anh rể yêu quý mà tôi chứng kiến đến tìm gặp BS. Nguyễn Thị Mai (bệnh viện Phụ sản Hà Nội) để được giải đáp.
Mới thoạt nghe tôi hỏi về cái sự nghén thay vợ của đàn ông, BS. Mai đã cười và hỏi tôi liên tục: "Ai nói với em như thế? Có cơ sở khoa học nào khẳng định chưa? Toàn là chuyện nhảm nhí". Tôi có chút ngượng ngùng, nhưng vẫn muốn truy đến tận cùng lời đáp cho câu hỏi của mình. Vị bác sỹ này cho rằng: "Cũng chẳng trách được lời đồn. Vì nhiều người không hiểu biết thấu đáo mới sinh ra lời đồn. Không bao giờ có cái gọi là đàn ông nghén thay vợ".
Từ lời quả quyết "chắc như đinh đóng cột" của một người đã có nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc sản phụ, tôi vẫn còn thấy vài điểm chưa thuyết phục. Tôi đặt câu hỏi: "Vậy tại sao đàn ông lại có những biểu hiện nghén khi vợ mang bầu?". BS. Mai giải thích: "Tôi đã công tác trong ngành y nhiều năm mà cũng chưa từng thấy có một công trình khoa học nào khẳng định những người đàn ông nghén thay vợ. Người mang bầu là người phụ nữ. Cơ thể phụ nữ và đàn ông là hai cơ thể khác nhau. Khi cơ thể người phụ nữ bắt đầu có thêm một phôi thai thì việc có những biểu hiện mới, lạ, để cơ thể nguyên bản của mình thích nghi với sự tồn tại thêm một cơ thể sống khác trong con người mình là điều hiển nhiên. Đàn ông có thêm cái gì đâu mà nghén?".
Tôi hơi buồn cười vì sự bất bình thái quá của BS. Mai nhưng những điều chị nói với sự nghiêm nghị của một bác sĩ khiến mắt tôi tròn xoe và tập trung như muốn nuốt từng lời. BS. Mai cho rằng: "Nghén là tác động của quá trình thay đổi hormone ở người phụ nữ khi mang thai. Quá trình này đã làm thay đổi sự cảm nhận về mùi, vị của người phụ nữ làm cho họ có cảm giác thèm ăn một thứ gì đó, thậm chí có thể trước đây họ không hề thích. Cũng có khi nghén, là lúc người phụ nữ bị thiếu một chất gì đó. Cho đến nay chưa có một câu trả lời nào thật rõ ràng để giải thích việc tại sao người phụ nữ thèm ăn lung tung, có khi ăn những thứ chẳng giống ai trong thời kỳ mang thai. Chính vì thế, càng không có cơ sở khoa học nào để cho rằng, có cái gọi là hiện tượng đàn ông nghén thay vợ.
BS. Mai chia sẻ: "Bình thường, một người đàn ông tâm lý, tình cảm, yêu thương chân thành vợ mình có thể hiểu được cả những điều vợ mình không nói. Họ tinh tế đến mức sẽ biết vợ vui hay buồn chỉ qua những hành động lời nói rất nhỏ. Họ có thể buồn vui cùng vợ và chia sẻ mọi cảm giác với vợ. Một người chồng như vậy khi vợ thai nghén rất dễ có những biểu hiện giống vợ. Đôi khi đó cũng là cách anh ta chia sẻ với vợ mình và động viên vợ vượt qua những ngày tháng khó khăn".
Cũng có lúc, người đàn ông có thể thèm cái này cái khác bởi họ muốn khích lệ vợ cùng ăn cho khỏe, con khỏe. Cũng như khi yêu, người ta luôn muốn làm tất cả vì người mình yêu, kể cả những điều mình không thích lắm. Nhưng nếu đó là điều mà người mình yêu hài lòng thì họ sẵn sàng hy sinh bản thân để đổi lại thấy được nụ cười hạnh phúc, mãn nguyện của người mà họ yêu thương chân thành.
Người chồng nào có thể có những biểu hiện của người vợ trong thời kỳ thai nghén là người đàn ông có thể cảm nhận được những biến động tình cảm của vợ mình, khi biết vợ mình mang thai. Đó cũng là một niềm hạnh phúc lớn đối với người phụ nữ khi “sở hữu” một người đàn ông như thế.
Cuộc nói chuyện giữa tôi và BS. Mai kéo dài khoảng chừng hơn một tiếng đồng hồ, và rồi chị bận có ca cấp cứu nên tôi đành cáo biệt mặc dù vẫn còn muốn nghe chị nói thêm nữa. Tôi đứng dậy chào chị ra về mà có cảm giác bác sĩ hình như đã trở thành chuyên gia tâm lý tình yêu?!. Nhưng tôi vẫn thấy hài lòng vì buổi gặp gỡ thú vị này. Bởi tôi có thể giúp độc giả của mình khẳng định: "Hoàn toàn không có cái gọi là đàn ông nghén thay vợ. Có thể đó chỉ là vì người đàn ông yêu vợ quá nhiều mà thôi".
Chỉ vì quá lo lắng cho sức khoẻ của vợ Theo các bác sỹ sản khoa, quá trình mang thai là một trong những thời kỳ khó khăn nhất của người phụ nữ. Khi cơ thể phải chấp nhận thêm một cơ thể sống khác và đảm bảo cho cơ thể sống đó sinh trưởng và phát triển bình thường thì đó là một điều vô cùng kỳ diệu. Bởi thế, thời kỳ người phụ nữ mang thai rất cần đến sự thông cảm, chiều chuộng, yêu thương hết lòng của gia đình và nhất là của chính chồng mình. Có những người đàn ông sống rất tình cảm và tâm lý với vợ. Đặc biệt, họ yêu thương và hết lòng chăm sóc vợ mình trong thời kỳ vợ mang thai. Bởi thế, khi thấy vợ chán ăn, họ cũng sinh ta chán nản, buồn phiền vì quá lo lắng cho sức khỏe của vợ. Họ sợ rằng khi vợ không ăn được lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ và cả chính người con mà vợ mang trong bụng. Những người chồng như vậy có thể lây nhiễm cái cảm giác của vợ mình. |
Tiền Đông