Quy kết nghiệt ngã
Kể cho tôi nghe cuộc gây gổ giữa mình và chồng, chị Tuyết Hằng kết luận: “Sau tám năm chung sống, tôi tin mình… chẳng hiểu gì về chồng”.
Chuyện bắt đầu từ cuộc nhập viện… tập thể của gia đình chị. Con gái bị sốt xuất huyết, lây sang anh trai rồi lây đến vợ chồng chị. Vợ chồng cùng bệnh, song trong khi chị gắng gượng, tranh thủ lo cho con thì chồng chỉ ngủ li bì. Tỉnh dậy, nếu anh Khang - chồng chị - không than mệt thì cũng rầu rĩ nhìn bữa cơm như đứa trẻ chán ăn. Có lúc, chị Hằng còn sửng sốt khi chồng nhăn nhó, “bi kịch hóa” tình hình: “Cảm giác này thật tệ, giá chết được thì hơn chứ mệt quá đi”.
Nằm viện năm ngày, cả nhà chị Hằng xuất viện. Nghỉ ngơi thêm hai ngày, chị đi làm lại. Chiều về, chị phát hiện chồng nghỉ làm. Nhìn đống chén bát chưa rửa trong khi chồng nằm dài, chị dằn cơn bực bội: “Anh chưa khỏe hả?”. “Anh vẫn còn nhức đầu. Tí nữa bắc cho anh nồi cháo nghe”. “Làm như chỉ mình anh biết bệnh vậy” - chị Hằng buột miệng. “Em nói gì đấy?”. “Có nghỉ thì cũng rửa giùm người ta cái chén. Tôi cũng bệnh, sao phải gồng gánh thế này”.
Nghe vợ hờn dỗi, chẳng nói lời nào, anh Khang đi thẳng xuống bếp, quơ mấy cái chén dơ đập nát. Anh giận dữ: “Cô có còn là con người nữa không?”. Chị Hằng không vừa: “Bệnh thôi, sao anh làm như trời sập vậy?”. Anh Khang chỉ mặt vợ: “Cô đừng quên cách đối đãi ngày hôm nay với tôi”, rồi bỏ đi. Anh đến trường, đón hai con về nhà mẹ ăn tối.
Chị Hằng bức xúc, hỏi tôi: “Rõ ràng là rất khỏe mới đi đón con, chẳng giống bộ dạng… èo uột trước đó. Vậy là sao?”. Chị không nghĩ chồng lười, bởi chị biết rõ tính anh. Điều khiến chị Hằng khó hiểu là sự yếu đuối của chồng khi bệnh - những biểu hiện của anh còn… thua cả đàn bà.
Tôi nhận ra sự “đề cao” bản thân trong câu chuyện của chị, đánh bạo hỏi liệu chị có coi thường chồng trong và sau những lúc anh “khác lạ” như vậy. Chị bĩu môi: “Lẽ ra ảnh phải là chỗ dựa cho tôi. Chuyện nhỏ vậy, tự ảnh không vượt qua nổi, không cố gắng thì sau này gặp chuyện lớn, làm sao tôi gánh hết”.
Phái mạnh cũng... yếu
Không riêng chị Hằng, chứng kiến một cơn… yếu đuối của chồng, mà theo các bà vợ là không đáng có, khiến họ rơi vào cảm giác hồ nghi hoặc khó hiểu, lúng túng. Từ đó, dựa trên những tố chất mặc định chỉ nên có và không có ở một người đàn ông, các bà vợ thường phản ứng theo kiểu kinh ngạc, hoảng hốt và cả coi thường chồng.
Chị Liên - quản lý nhà hàng, ngụ Q.1, TP.HCM - đến nay vẫn bảo chồng là người nhu nhược, sau lần anh “trót dại” bật khóc trước mặt vợ chỉ vì những đấu đá trong công ty - nơi anh là nạn nhân, khiến anh thấy chán nản, muốn nghỉ việc.
Tôi nhớ câu chuyện mình từng bắt gặp một cậu bé năm tuổi, được bố mẹ đưa đi chơi công viên. Đang chạy loanh quanh, chẳng may bị té, cậu bé khóc to. Nhìn vết thương trên người con không đáng để lo ngại, bố mẹ cậu mỉm cười: “Không sao, đứng lên con. Mình là đàn ông, không nên khóc”. Tôi đồ rằng, hầu hết các bậc sinh thành đều thấy mình trong câu nói trên, trong chuyện dạy bảo đứa con trai. “Hãy là một người đàn ông!” (be a man!).
Từ rất lâu, nhân loại đã thổi phồng, xem trọng nam tính cần có ở một người đàn ông (ngay từ khi là cậu bé cho đến lúc trưởng thành). “Nam tính” định ra những điều họ phải nói, thể hiện sự mạnh mẽ, khả năng trụ cột, sức chịu đựng cao; đồng nghĩa với việc đàn ông thì không được khóc, không nên than thở, để lộ phút yếu lòng hay để những cảm xúc tiêu cực hoành hành.
Lo sợ chiếc áo nam tính bị xé toạc ngay từ trong tiềm thức, được răn dạy từ nhỏ; trưởng thành, đàn ông ít khi thể hiện cơn đau của mình. Phần lớn họ bộc lộ không ý thức và chỉ bộc lộ khi tin tưởng người đang hứng chịu trạng thái ấy của họ sẽ cho họ cảm giác an toàn, được chấp nhận. Với họ, còn ai tốt hơn người bạn đời.
Và dù cố tình hay vô ý bộc lộ, cơn đau của đàn ông - trỗi dậy từ thể xác hay tâm hồn - cũng là tín hiệu để nói với người bạn đời rằng, cái tôi của họ đang mong được an ủi, vỗ về, động viên bằng sự thấu hiểu, chia sẻ. Tùy vào cách tiếp nhận của người vợ mà kết quả sẽ rất khác nhau. Người chồng thấy bất mãn, tổn thương, không được sẻ chia sẽ không bao giờ, dù là vô thức, để lộ cơn đau trước mặt vợ nữa hoặc sự biết ơn, cảm kích, thấy gần gũi hơn với người bạn đời, khiến họ nhớ và “mở đường” chia sẻ mai sau, trong mọi chuyện.
Theo Báo Phụ nữ