Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã EIB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý I/2018 với lợi nhuận sau thuế 444,5 tỷ đồng, tăng mạnh gấp hơn 3 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng nói là trong khi các khoản thu nhập chính từ huy động tiền gửi, kinh doanh ngoại hối đều giảm, cùng với đó là chi phí hoạt động, chi phí dự phòng đều tăng thì lợi nhuận diễn biến ngược chiều.
Theo đó, nguồn thu chính của các ngân hàng chính là thu nhập lãi thuần thì tại báo cáo tài chính của Eximbank quý I/2018 ghi nhận khoản này là hơn 667 tỷ đồng, giảm 3% so với con số hơn 687 tỷ đồng quý I/2017.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối đang mang về lợi nhuận 77 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái thì kỳ này giảm chỉ còn hơn 57 tỷ đồng.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư nếu như quý I năm ngoái còn lãi hơn 5,6 tỷ đồng thì đến quý này bị lỗ tới hơn 24 tỷ đồng.
Cùng với đó, chi phí hoạt động dịch vụ tăng từ 66 tỷ đồng lên 72 tỷ đồng, chi phí hoạt động chung tăng từ 531 tỷ đồng lên 635 tỷ đồng, chi phí rủi ro tín dụng cũng tăng từ 133 tỷ lên 151 tỷ đồng.
Thế nhưng, lợi nhuận trước thuế vẫn ghi nhận 560 tỷ đồng, lãi sau thuế còn 444 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 170 và 136 tỷ đồng. Nguyên nhân vì sao?
Dễ nhận thấy điểm sáng nhất trên bản báo cáo là khoản lãi từ góp vốn, mua cổ phần tăng đột biến lên 521 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 15 tỷ.
Theo thông tin được công bố trước đó thì có thể chắc chắn rằng khoản thu nhập này đến từ đợt bán cổ phần STB của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Mới đây, Eximbank cho biết, từ ngày 29/11/2017 - 19/1/2018, ngân hàng đã thoái vốn đối với khoản đầu tư cổ phiếu STB bằng phương thức khớp lệnh trên sàn.
Kết quả, thu nhập từ thoái vốn đối với khoản đầu tư này đã đóng góp vào lợi nhuận của Eximbank tổng cộng gần 648 tỷ đồng, trong đó năm 2017 ghi nhận hơn 126 tỷ đồng vào lãi thuần và quý 1/2018 ghi nhận hơn 521 tỷ.
Eximbank bắt đầu đầu tư 165 triệu cổ phiếu STB (8,75% cổ phần) hồi năm 2012 với giá vốn là khoảng 10.600 đồng/cổ phiếu. Năm ngoái ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch thoái vốn của Eximbank tại Sacombank.
Sau gần 6 năm, Eximbank bán lại cổ phiếu này với giá bán bình quân 14.064 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, Eximbank đẩy mạnh vay trên thị trường liên ngân hàng với tiền vay và nhận gửi của TCTD khác tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng lên 13.108 tỷ đồng. Nhờ đó mà trong khi giảm tiền gửi tại tổ chức tín dụng 3.800 tỷ đồng thì quy mô tài sản đến cuối quý I của ngân hàng này chỉ giảm nhẹ, còn 143.630 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, sáng 27/4, Eximbank tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018. Tại đại hội, các cổ đông đã chất vấn HĐQT về các vụ lùm xùm mất tiền xảy ra gần đây.
Lớn nhất là vụ khách hàng Chu Thị Bình gửi 245 tỷ đồng vào Eximbank chi nhánh TP.HCM sau đó bị phó giám đốc chi nhánh này làm giả hồ sơ chiếm đoạt rồi bỏ trốn.
Ngoài ra còn có vụ khách gửi 50 tỷ đồng vào PGD Eximbank Đô Lương (Nghệ An) bị nhân viên ngân hàng đã nghỉ việc nhưng vẫn chiếm dụng được, vụ khách gửi 3 sổ tiết kiệm vàng nhưng đến khi tất toán phát hiện mất 10 lượng vàng.
Trả lời chất vấn của cổ đông, lãnh đạo ngân hàng này cũng cho hay, trong khi chờ kết luận cuối cùng của tòa án, Eximbank chưa có đủ cơ sở pháp lý để đền tiền mà chỉ có thể tăng cường kiểm tra, rà soát, cải tiến một số quy định nội bộ để tăng cường công tác quản trị rủi ro hệ thống.
Khi bị một số cổ đông chỉ trích gay gắt trách nhiệm của ban lãnh đạo Eximbank, cụ thể là Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc, TGĐ Lê Văn Quyết hay Phó Chủ tịch HĐQT Đặng Anh Mai, thậm chí có cổ đông yêu cầu ông Quyết từ chức thì vị này thừa nhận trách nhiệm, mong cổ đông thông cảm.
“Nếu HĐQT Eximbank có thể lựa chọn người tốt hơn cho vị trí Tổng giám đốc thì đó cũng là điều tốt cho ngân hàng” – ông Quốc nói thêm.